Để những nghiên cứu của học sinh không chỉ... đi thi lấy giải

Đã qua mùa thứ 6 kỳ thi khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia dành cho học sinh trung học hằng năm được tổ chức. Hàng nghìn dự án được nghiên cứu, hàng trăm dự án đoạt giải và được đánh giá cao.

Tuy nhiên, số dự án, ý tưởng đi vào thực tiễn cuộc sống không nhiều. Vì vậy cần phải có cơ chế phù hợp nhằm kết nối, tìm “bà đỡ” cho nghiên cứu khoa học của học sinh để sản phẩm của các em không chỉ dừng lại ở việc... đi thi lấy giải.

Sau đoạt giải, các dự án khoa học về đâu?

Mục đích nghiên cứu khoa học của học sinh, nhất là trong cuộc thi KHKT cấp quốc gia học sinh trung học là hướng đến việc khuyến khích các em nghiên cứu, sáng tạo khoa học công nghệ, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cùng lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng tham quan các gian hàng và trao đổi với học sinh. Ảnh: giaoducthoidai.vn

Theo báo cáo của Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), trong 5 cuộc thi Intel ISEF ở Hoa Kỳ, học sinh Việt Nam đã khẳng định khả năng nghiên cứu KHKT ở tầm quốc tế và liên tục đoạt nhiều giải cao. Bên cạnh đó, học sinh Việt Nam cũng đạt nhiều giải, nhiều huy chương khi tham dự các cuộc thi, triển lãm sáng tạo khoa học của khu vực và quốc tế. Học sinh tham gia nghiên cứu khoa học đã mạnh dạn vận dụng kiến thức, ứng dụng vào thực tiễn đời sống sản xuất, KHKT, tạo ra những sản phẩm khoa học phục vụ học tập và nuôi dưỡng ý tưởng sáng tạo. Tuy nhiên, báo cáo cho thấy, không hề có một con số cụ thể hay một cái tên ý tưởng, công trình khoa học nào của học sinh được các tổ chức, doanh nghiệp “đỡ đầu” để đưa vào cuộc sống.

Đến Trường THCS Diễn Hải, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, nhìn hàng chục dự án nghiên cứu KHKT của học sinh, trong đó có cả công trình giành giải nhì cấp quốc gia, được đánh giá cao về tính ứng dụng thực tiễn nhưng hiện vẫn nằm "đắp chiếu" trong phòng trưng bày, người có tâm huyết sẽ không khỏi chạnh lòng. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về hướng đi cho các công trình khoa học của học sinh, ông Võ Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS Diễn Hải cho biết: "Thực ra, các ý tưởng, dự án của học sinh đều xuất phát từ thực tế cuộc sống vì thế có tính thực tiễn cao. Song về phía nhà trường khó có thể tìm đầu ra cho dự án của các em. Dù đã có đơn vị tìm đến để xin ý tưởng triển khai vào thực tế, song qua 6 năm rồi, đến thời điểm này vẫn chưa có dự án nào được ứng dụng rộng rãi".

Cần hỗ trợ đầu ra cho nghiên cứu khoa học

Nhiều học sinh có dự án tại cuộc thi KHKT cấp quốc gia bày tỏ mong muốn dự án của mình sẽ được đưa vào thực tế, ít nhất là trong phạm vi nhà trường hay tại địa phương. Lê Hà Khoa, học sinh lớp 11 Sinh, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội), tác giả dự án “Nghiên cứu nồng độ các chất trung gian dẫn truyền thần kinh hệ Dopaminergic, Serotonergic trong nước tiểu và mối liên quan với các rối loạn hành vi ở người nghiện game” vừa đoạt giải nhất trong kỳ thi KHKT học sinh trung học khu vực phía Bắc năm học 2017-2018 chia sẻ: "Sau cuộc thi này, chúng em cũng hy vọng dự án nghiên cứu của mình có cơ hội được triển khai ứng dụng vào thực tế. Đó sẽ là động lực để chúng em tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu."

Theo ông Hoàng Đức Minh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu: Thực tế, phần lớn các dự án khoa học của học sinh mới chỉ dừng lại ở ý tưởng. Vì thế việc hỗ trợ các em cần phải có sự vào cuộc của nhiều cấp. Như ở Lai Châu, tất cả những dự án tốt của học sinh, Sở GD&ĐT sẽ kết nối với Sở Khoa học và Công nghệ giới thiệu đến các nhà khoa học, các đơn vị, doanh nghiệp để nghiên cứu, phát triển. Hầu hết các ý tưởng của các em gắn liền với thực tế và được người dân chào đón, tuy nhiên quá trình đưa vào thực tiễn cũng có nhiều khó khăn, như: Điều kiện tài chính để triển khai; đơn vị đỡ đầu để tiếp tục thực nghiệm, hoàn thiện đề án...

PGS, TS Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết: Thông qua nhiều hoạt động như cuộc thi KHKT, các doanh nghiệp cũng biết đến quá trình nghiên cứu của học sinh, từ đó có hướng tài trợ, đỡ đầu để các em có thêm điều kiện nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn một cách hiệu quả. Nhưng muốn tìm ra được một giải pháp xã hội đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các nhà khoa học. Các viện nghiên cứu khoa học, các nhà nghiên cứu phải tiếp cận với ý tưởng của các em, dựa vào đó tìm ý tưởng, sản phẩm của các em để nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. Điều cần thiết là phải có cầu nối để gắn kết giữa các doanh nghiệp với học sinh, hỗ trợ các em trong cả quá trình nghiên cứu khoa học với việc đưa ý tưởng, sản phẩm nghiên cứu vào thực tế.

TUẤN VŨ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/de-nhung-nghien-cuu-cua-hoc-sinh-khong-chi-di-thi-lay-giai-534086