Để những ngày cuối đời vẫn ngát hương

Bí quyết trường thọ của người nhật chuẩn bị cho người đọc sự an lạc trong tinh thần để bước vào giây phút cuối.

Trong một ngôi nhà chăm sóc cuối đời ở thành phố Hirazuka (Nhật), 4 mùa thay đổi nhanh hơn so với những nơi khác. Khi bên ngoài trời vừa chớm xuân, trong nhà đã có những tranh phong cảnh thực vật xanh um. Khi thu vừa đến, tranh cây phủ tuyết trắng được treo dọc hành lang. Hay mùa đông vừa chạm ngõ, tranh hoa anh đào đã phủ kín các bức tường...

Những bức tranh ấy đã gieo cho bệnh nhân niềm hy vọng sống nhờ mong mỏi được ngắm những chiếc lá đỏ mùa thu, hoa anh đào nở rộ thêm lần nữa trong đời. “Con người cần phải được hỗ trợ bằng hy vọng sống cho đến khoảnh khắc cuối cùng”, Tiến sĩ, bác sĩ Shigeaki Hinohara nói vậy.

Sinh năm 1911, Tiến sĩ Shigeaki Hinohara, tác giả Bí Quyết Trường Thọ Của Người Nhật, được biết đến là một trong những bác sĩ hành nghề lâu năm nhất thế giới và được tôn vinh là huyền thoại y học của người Nhật. Được xem là “kho báu quốc gia”, ông từng lãnh đạo 5 cơ sở y tế và làm Chủ tịch Bệnh viện Quốc tế St Luke ở Tokyo suốt nhiều thập niên.

Chính ông đã giúp thiết lập hệ thống y tế đưa nước Nhật trở thành một trong những quốc gia mà người dân có tuổi thọ cao nhất thế giới.

Nếu kỳ vọng bác sĩ Hinohara chỉ ra các phương pháp chăm sóc sức khỏe tiến bộ, chế độ ăn dinh dưỡng hay những bài tập dẻo dai để có thể kéo dài cuộc sống, độc giả sẽ thất vọng. Bởi gần 200 trang của cuốn sách chỉ kể về câu chuyện của ông lão Hinohara, người đã chứng kiến 4.000 bệnh nhân giã từ cuộc sống. Để rồi qua đó, kể với mọi người về ý nghĩa của sống hạnh phúc, cách để sống sôi nổi và quan trọng hơn là chết không nuối tiếc.

“Lâm bệnh, gặp sự cố, nhưng nếu ta biết đón nhận hiện thực đó thì xem như đã có được phân nửa hy vọng. Biết mình là bước đầu để nắm trọn hy vọng. Chúng ta không sống bằng khát vọng mà sống trong hy vọng, bởi vì ở đâu có hy vọng, ở đó có hạnh phúc”, bác sĩ Hinohara chia sẻ.

Lần theo từng trang trong Bí Quyết Trường Thọ Của Người Nhật là một cảm giác bình yên. Bác sĩ Hinohara cho rằng cái chết rồi sẽ đến với tất cả chúng ta theo một lẽ nào đó, do già yếu hay cơn bạo bệnh, như một chiếc lá dần héo úa. Thế nhưng, kể cả khi có một cuộc sống lành mạnh, con người cũng phải đối mặt với bạo bệnh. Đó chính là lý do, phần lớn nội dung cuốn sách chuẩn bị cho người đọc sự an lạc trong tinh thần để bước vào giây phút cuối.

Nhiều bệnh nhân của bác sĩ Hinohara đã thay đổi cuộc đời, rẽ sang một hướng khác trong những năm tháng cuối cùng. Từ một doanh nhân trở thành một họa sĩ tài danh, một người vượt qua bệnh tật để được trở về với phím đàn. Hàng ngàn cụ ông, cụ bà trong tổ chức “Người già thời đại mới” do ông sáng lập, đã hoạt động sôi nổi trong phong trào tình nguyện mỗi ngày để trao truyền văn hóa cho thế hệ trẻ.

Chính cuộc đời bác sĩ Hinohara và những người bệnh trong tập sách là minh chứng hùng hồn nhất. Họ đã chuẩn bị cho cái chết không phải với sự buông xuôi mà là nỗ lực không ngừng để được sống như những bông hoa của ngày cuối hạ, dẫu biết ngày mai sẽ tàn nhưng chiều nay vẫn tỏa hương thơm. Sách do Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM ấn hành.

Khánh Mai

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/song/sach-hay/de-nhung-ngay-cuoi-doi-van-ngat-huong-3326273/