Để những kiến nghị của cử tri ở cơ sở được giải quyết kịp thời

Việc tăng cường theo dõi, giải quyết triệt để ý kiến, kiến nghị cử tri sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân... Đây cũng chính là cơ sở để xây dựng niềm tin của nhân dân đối với chính quyền các cấp ở địa phương.

Giữa năm 2018, cử tri xã Minh Khương, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) kiến nghị với đại biểu HĐND tỉnh về tình trạng xuống cấp của tuyến đường ĐT189, đoạn qua địa bàn xã. Nhận được ý kiến phản ánh của cử tri, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, phân tích nguyên nhân để đưa ra các biện pháp giải quyết. Theo đó, Sở Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp với UBND xã Minh Khương và Hạt Quản lý giao thông huyện Hàm Yên kiểm tra thực tế. Qua kiểm tra, Sở GTVT chỉ đạo Hạt Quản lý giao thông huyện Hàm Yên thực hiện đắp phụ lề đường bị xói trôi bằng đá thải, thanh thải những vị trí rãnh dọc bị vùi lấp và đào rãnh tại các vị trí còn thiếu trên đoạn tuyến. Đến nay, tình trạng này đã được khắc phục, tạo thuận lợi cho người và phương tiện di chuyển.

Vào đầu tháng 3-2019, dẫn chúng tôi tham quan Dự án xây dựng cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ, nối liền hai huyện Nghĩa Hưng và Hải Hậu (Nam Định) đang được các nhà thầu và đơn vị thi công gấp rút, bảo đảm đúng tiến độ, ông Sái Hồng Thanh, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng cho biết: “Dự án này trước đây gặp một số khó khăn trong quá trình triển khai, đặc biệt là vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng. Trước tình hình đó, lãnh đạo UBND huyện Nghĩa Hưng đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cử tri. Đối với từng trường hợp chúng tôi đã đưa ra những giải thích cụ thể, kịp thời, đúng trọng tâm; mọi vấn đề đều được thực hiện đúng chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Sau khi người dân đã hiểu thì tất cả đều đồng lòng ủng hộ việc triển khai dự án".

Đây chỉ là hai ví dụ điển hình trong rất nhiều trường hợp chính quyền địa phương đã giải quyết tốt những kiến nghị của cử tri, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Từ những kinh nghiệm thực tế, ông Sái Hồng Thanh cho rằng, khi tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri nên phân loại theo từng lĩnh vực, đồng thời xác định rõ thẩm quyền giải quyết thuộc cấp, ngành nào để chuyển tới đúng địa chỉ; tổng hợp phải mang tính khái quát, khách quan, chính xác. Đặc biệt, kiến nghị của cử tri phải được chuyển đến lãnh đạo các đơn vị có thẩm quyền giải quyết, tránh việc chuyển cho đối tượng không đúng thẩm quyền. Việc bố trí cán bộ có năng lực, kinh nghiệm, nắm vững tình hình để tổng hợp, theo dõi, đôn đốc vấn đề cử tri kiến nghị cần được đặc biệt coi trọng.

Chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, theo ông Vũ Đức Chén, Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương: Cần có sự phối hợp tốt trong việc tổ chức tiếp xúc cử tri giữa đại biểu HĐND 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Các cơ quan của HĐND cần chủ động trao đổi, thống nhất nội dung, hình thức và cơ chế phối hợp giải quyết những vấn đề cử tri đã nhiều lần đề cập, các kiến nghị chưa được giải quyết. Mọi ý kiến, kiến nghị của cử tri phải được xem xét, giải quyết và trả lời rõ ràng, cụ thể, đúng thời gian quy định, không được đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; đồng thời, tổ chức giám sát đối với báo cáo của HĐND các cấp về việc giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Để kiến nghị của cử tri được giải quyết tốt thì vấn đề quan trọng là HĐND các cấp phải thực sự hoạt động nền nếp, có chất lượng, tâm huyết, tiếp thu, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri phản ánh. HĐND cũng phải huy động được sức mạnh từ các tổ chức thông qua sự giám sát chặt chẽ của mình. Theo bà Hà Thị Thiệp, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Lào Cai, trước và sau các kỳ họp HĐND tỉnh Lào Cai, Thường trực HĐND tỉnh đều ban hành kế hoạch cho các tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh tại các huyện, thành phố phối hợp với Ủy ban MTTQ cùng cấp và cấp dưới trực tiếp thực hiện tiếp xúc cử tri. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã có 714/1.125 ý kiến của cử tri Lào Cai được giải quyết dứt điểm, chiếm 63,46%. Để theo dõi việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri, ngoài giao trách nhiệm cho các ban, phối hợp với Tổ đại biểu HĐND tỉnh giám sát, giữa hai kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh giao Văn phòng HĐND tỉnh cử cán bộ theo dõi việc giải quyết, trả lời ý kiến cử tri, cập nhật đầy đủ ý kiến được giải quyết, trả lời. Các ý kiến chưa được giải quyết, đang xem xét giải quyết trong từng kỳ họp sẽ được báo cáo với Thường trực HĐND tỉnh. Tại các phiên họp, Thường trực HĐND tỉnh mời đại diện lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh tham dự họp nghe, thống nhất. Sau cuộc họp, Thường trực HĐND tiếp tục ra văn bản đôn đốc UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục giải quyết, trả lời…

Có thể thấy rằng, tùy vào từng điều kiện đặc thù của địa phương mình, UBND, HĐND các cấp đã và đang rất nỗ lực để đưa ra các giải pháp để giải quyết chính xác, kịp thời những kiến nghị của cử tri. Tuy nhiên, để việc trả lời kiến nghị của cử tri có hiệu quả cao thì vấn đề cốt lõi vẫn phải là lựa chọn được những đại biểu nhân dân đủ đức, đủ tài. Cùng với đó, người đứng đầu các cấp phải thực sự có trách nhiệm, vào cuộc nghiêm túc, từ đó cùng với tập thể triển khai các biện pháp xử lý hiệu quả vấn đề được cử tri nêu.

VĂN THI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/de-nhung-kien-nghi-cua-cu-tri-o-co-so-duoc-giai-quyet-kip-thoi-572756