Để những bước chân tìm tới...

Từ Nha Trang lên Đà Lạt có hai cung đường khác nhau. Con đường cũ thì từ Phan Rang đến Sông Pha và lên đèo Ngoạn Mục, đây là cung đường dài 200km. Cung đường thứ hai là đường từ Khánh Lê đi ngõ vào Thái Phiên (Đà Lạt) dài 140m.

Đường lên Đà Lạt

Đường lên Đà Lạt

Nhưng dẫu đi cung đường nào, du khách luôn reo lên, khi trên cung đường đã bắt đầu xuất hiện những cây thông trên đỉnh núi: “A, đã tới Đà Lạt”. Có người cho rằng têm Đà Lạt là viết tắt từ một câu châm ngôn đầy ý nghĩa bằng tiếng Latinh “DAT ALLIIS LAETITIUM ALLIIS TEMPERRIEM”, năm chữ đầu ghép lại thành từ Đà Lạt có nghĩa là: “Cho người này niềm vui cho người kia sự mát lành”.

Đà Lạt nằm ở độ cao gần 1.500 mét so với mực nước biển. Sách vở ghi lại là vào ngày 21/6/1893, trên hành trình thám hiểm, bác sĩ Alexandre Yersin đã tới cao nguyên Lâm Viên và nhìn thấy Đà Lạt, khi ấy chỉ có những con dường nhỏ, núi đồi ngập thông xanh. Đến giữa thập niên 1910, Đà Lạt đã bắt đầu được triển khai xây dựng, như là một nơi nghỉ dưỡng của người Pháp khi cuộc Chiến tranh Thế giới lần I đang xảy ra.

Sự phát triển du lịch của Đà Lạt mạnh mẽ từ những năm đầu 1990 của thế kỷ 20. Rồi những con đường được mở rộng, mở thêm tạo thuận lợi cho giao thông. Đà Lạt được tạo thêm những Khu du lịch từ giai đoạn này nhằm thu hút khách tìm tới như: Làng Cù lần, Hầm đất sét, Đồi Mộng Mơ..., ngoài những thác nước truyền thống, Vườn hoa Thành phố, Thung lũng tình yêu… Những con đường lãng mạng của Đà Lạt như Bùi Thị Xuân, Võ Tánh, Nguyễn Công Trứ, Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng. Trước sức ép của việc xây dựng các khu nghĩ dưỡng, đã mất đi những hàng thông. Trung tâm thành phố Đà Lạt thực sự thiếu bóng cây thông.

Thông và hoa

Cây thông ở Đà Lạt là loại thông ba lá, dáng cao thẳng, đẹp. Theo số liệu thống kê của Sở NN-PTNT Lâm Đồng thì rừng thông Đà Lạt chiếm khoảng hơn 26.000ha trong tổng số hơn 600.000ha của cả tỉnh. Và ngoài là một loại cây nguyên liệu, cây thông còn tạo ra một Đà Lạt du lịch.

Thật vậy, khó ai mà không ngẩn người ra trước những cánh rừng thông. Khi đi đường Khánh Lê - Thái Phiên, chỉ cần nhìn thấy thông xuất hiện sau khi vượt qua đỉnh đèo Hòn Giao là lòng người tràn ngập niềm vui. Rồi cung đường khi rời khỏi thị trấn Long Lanh, vượt qua 40km để vào Đà Lạt là nhấp nhô dốc, đường uốn lượn là những rừng thông cứ xoải mình theo các lũng sâu. Và những rừng thông ấy trở thành những chỗ dừng chân cho lữ khách. Nhiều người mang theo vải bạt, thức ăn, đồ uống để chỉ dừng lại ở giữa rừng thông nghỉ ngơi, và hòa mình trong trùng điệp thông đó.

Lên Đà Lạt, rời khỏi khu thị trấn với quán xá, nhà nghĩ, khách sạn, chỉ cần đi là gặp thông. Con đường Quang Trung hay đường vòng Hồ Xuân Hương, có những chiếc cầu xi măng hình chữ T với mục đích cho khách tới ngắm hồ, có rất nhiều bãi cỏ và thông. Con đường Đinh Tiên Hoàng từ Hồ Xuân hương trổ ra đường Phù Đỗng, đi ngang Đồi cù cũng nhiều thông. Những hàng thông xanh trên đường Trần Hưng Đạo, Hùng Vương hay trên đèo Drann, đèo Prenn là cảm xúc. Cái cảm xúc ấy trọn vẹn khi bước chân lên chùa Tàu, tới tượng Phật ngồi thiền trên đồi là bao quanh rừng thông.

Tượng Phật ngồi thiền ở Chùa Tàu giữa đồi thông

Du khách chụp hình với rừng thông

Những khu du lịch ở Đà Lạt đã và đang bảo về những rừng thông, vì hơn ai hết, nếu những cánh rừng không còn những cây thông vươn cao với những chiếc lá kim long lanh trong nắng thì ai lên Đà Lạt làm gì? Và trong tất cả những tấm ảnh trong các cuộc hành trình đến Đà Lạt, ngoài ảnh hoa, ảnh chụp với rừng thông chiếm giữ một phần không nhỏ.

Thung lũng vàng

Và vì thế, ở Thung lũng vàng có nguyên một đồi thông bên phải, bên dưới là suối Vàng. Ngay cả con đường vào Thung lũng vàng là con đường thông. Cuộc hành trình đến Làng cù lần, đến Ma rừng Lữ Quán cũng phải qua biết bao nhiều đồi thông. Hồ Than Thở giữ nguyên một đồi thông chìm khuất, những con đường quanh Thung lũng tình yêu cũng đầy thông xanh. Hay cảm giác đi trên chiếc xe chuyên dụng để lên đỉnh Lang Bing cũng là những vòng cua qua ngàn thông xanh.

Hồ Than Thở bình yên giữ nguyên một đồi thông xanh ngát

Hơn ai hết, chính quyền Đà Lạt hiểu giá trị của những rừng thông làm nên cái hồn Đà Lạt, nên khi hạ một cây thông là trồng ngay 5 cây thông mới. Việc bảo về những rừng thông đã trở thành nhiệm vụ của những người yêu Đà Lạt. Bởi trong cái lạnh bốn mùa, trên những con đường quanh co, ở lũng sâu hay trên đồi cao, thông đã là một loại cây đặc biệt ở thành phố mà ai cũng muốn tìm về. Chính những rừng thông Đà Lạt đã làm rộn ràng những bước chân tìm tới.

https://dulich.petrotimes.vn/

Khuê Việt Trường

Nguồn PetroTimes: https://dulich.petrotimes.vn/de-nhung-buoc-chan-tim-toi-604012.html