Dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện Pháp luật Việt Nam qua lời ca, tiếng hát

'Ve vẻ vè ve!/Nghe vè Pháp luật/Nay tháng mười một/Có ngày mùng chín/Là ngày Pháp luật/Của nước Việt Nam/Tất cả mọi người/Tuân thủ, chấp hành/ Hiến pháp, Pháp luật'. Đây là phần mở đầu trong bài 'Vè Pháp luật' do cô giáo Hứa Thị Thu Huyền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Giang Biên (quận Long Biên, thành phố Hà Nội sáng tác để tuyên truyền, phổ biến về Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11 tới cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh của mình.

Ngày 9/11/ 1946 - cách đây hơn 70 năm đã đi vào lịch sử của dân tộc ta khi Quốc hội nước Dân chủ Cộng hòa ban hành bản Hiến pháp năm 1946 - Đạo luật cơ bản đầu tiên, một “tài sản” đặc biệt của Nhà nước ta.

Cô trò Trường Tiểu học Giang Biên tuyên truyền, phổ biến pháp luật Việt Nam thông qua bài "Vè Pháp luật"

Cô trò Trường Tiểu học Giang Biên tuyên truyền, phổ biến pháp luật Việt Nam thông qua bài "Vè Pháp luật"

Từ năm 2013, ngày 9/11 được chọn là ngày Pháp luật Việt Nam, nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Đồng thời, tăng cường nhận thức của mọi người về vai trò của luật pháp trong đời sống, tăng cường sự hiểu biết pháp luật và khả năng thực thi pháp luật trong hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động kinh tế - xã hội và sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Cô giáo Hứa Thị Thu Huyền cho biết, để dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện và nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của mọi người, đặc biệt là đối với lứa tuổi học đường, cô đã kịp thời có những tác phẩm mới với những nội dung tuyên truyền giáo dục pháp luật vô cùng ý nghĩa và hấp dẫn đối với các em học sinh.

Nhắc đến Luật Thủ đô, bài vè của cô có đoạn: “Này Luật Thủ đô/Quy định trách nhiệm/Quyền hạn nghĩa vụ/Của các ban ngành/Và mọi công dân/Xây dựng phát triển/Thủ đô Hà Nội/Đẹp, giàu, văn minh!”.

Hay nói đến Luật Giáo dục, cô nhắc nhở mọi người: “Đây Luật Giáo dục/Đào tạo con người/Phát triển toàn diện/Đức trí, thể mỹ/Đáp ứng yêu cầu/Hội nhập quốc tế/Xây dựng, bảo vệ/Tổ Quốc Việt Nam”...

Phần thi tìm hiểu kiến thức pháp luật thu hút đông đảo học sinh hưởng ứng tham gia

Cô Huyền kỳ vọng, thông qua học thuộc bài vè, mỗi em học sinh trong trường Tiểu học Giang Biên sẽ là những tuyên truyền viên tích cực nhất, góp phần giúp cho mọi người hiểu được những kiến thức cơ bản nhất về Ngày Pháp luật Việt Nam, từ đó chấp hành tốt Hiến pháp, Pháp luật Việt Nam.

Không chỉ tuyên truyền qua lời ca, tiếng hát, Trường Tiểu học Giang Biên còn tổ chức Thi tìm hiểu kiến thức pháp luật qua trò chơi “Hái hoa dân chủ”. Theo đó, học trò có cơ hội tìm hiểu về: Quyền trẻ em; nhận diện xâm phạm tình dục trẻ em và phòng tránh nguy cơ bị động chạm không an toàn, bị xâm hại; phòng tránh tai nạn giao thông đường bộ; làm gì để bảo vệ môi trường… thông qua trả lời các câu hỏi.

Trường Tiểu học Giang Biên phát động thi vẽ tranh hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam.

Bên cạnh đó, Trường Tiểu học Giang Biên còn tổ chức phát động thi vẽ tranh hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam. Kết thúc hội thi, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 100 bức tranh đa sắc màu, đa dạng về chủ đề, và sáng tạo trong thể hiện các tác phẩm của mỗi học sinh. Các tác phẩm của các em đa dạng với chủ đề: Bảo vệ môi trường; phòng chống rác thải nhựa; phòng chống ma túy; phòng chống xâm hại, bắt cóc trẻ em, quyền trẻ em...

“Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm nay, mỗi chúng ta hãy tích cực học tập, rèn luyện và vui chơi lành mạnh, phòng tránh tai nạn thương tích và các tệ nạn xã hội; biết yêu quê hương đất nước, hiếu thảo với ông bà cha mẹ; kính trọng, lễ phép với người trên, yêu thương, nhường nhịn các em nhỏ, đoàn kết, giúp đỡ bạn bè, tôn trọng sự khác biệt, có các kỹ năng để tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị lợi dụng, xâm hại…”, cô giáo Hứa Thị Thu Huyền kêu gọi.

Thông điệp từ một tác phẩm của học sinh Tiểu học Giang Biên

Báo Lao động Thủ đô trân trọng giới thiệu tác phẩm “Văn hóa giao thông” do cô giáo Hứa Thị Thu Huyền – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Giang Biên sáng tác theo điệu Lý kéo chài – dân ca Nam Bộ.

Văn hóa giao thông

Hỡi các bạn chúng mình nên nhớ.

Nhớ đừng quên văn hóa giao thông, bạn ơi!

Đèn xanh cho phép ta đi, khi có đèn vàng.

Ta luôn phải chú ý, chớ nên vội vàng.

Không băng qua đường, không đi sai làn.

Hãy dừng, hãy dừng đèn đỏ bạn ơi!

Hỡi các bạn chúng mình nên nhớ.

Nhớ đừng quên văn hóa giao thông, bạn ơi!

Cùng nhau ta nhớ khắc ghi, đi đúng làn đường.

Không đi mà lạng lách, chớ đi dàn hàng.

Luôn luôn an toàn, văn minh, thanh lịch.

Góp phần, góp phần làm đẹp quê hương!

Hỡi các bạn chúng mình nên nhớ.

Nhớ đừng quên văn hóa giao thông, bạn ơi!

Phải luôn quan sát trước sau, đi đúng làn đường.

Ta đi đường thông thoáng. Cớ sao vội vàng?

Không lo tắc đường, không lo tai nạn.

An toàn, an toàn là người bạn thân.

Không lo tắc đường, không lo tai nạn.

An toàn, an toàn là người bạn thân.

Ơ hò ơ hò là hò hò ơ!

Ơ hò ơ hò là hò hò ơ!

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/de-nho-de-hieu-de-thuc-hien-phap-luat-viet-nam-qua-loi-ca-tieng-hat-99356.html