Đệ nhất kinh kỳ danh khoa Kẻ Cót

Nếu không tách làng thì 'danh khoa đệ nhất kinh kỳ' sẽ thuộc về Kẻ Cót. Sau cả trăm năm biến thiên thời cuộc, dù đã tách bạch rõ rệt hai làng nhưng nhắc tới Kẻ Cót cũng khiến người ta nhớ tới một thời vàng son.

Đình An Hòa, nơi lưu giữ và hội tụ nhiều tục lệ cổ của làng Giấy xưa.

Đình An Hòa, nơi lưu giữ và hội tụ nhiều tục lệ cổ của làng Giấy xưa.

Trong một biên kê đã có thẩm định tỉ mỉ, thì làng Kẻ Cót thuộc 1 trong 20 làng khoa bảng của nước ta, cũng là 1 trong 6 làng khoa bảng đất Thăng Long văn hiến. Trải qua các triều đại phong kiến, Kẻ Cót có tới 11 anh tài đỗ tiến sĩ, góp sức học cho đại sự nước nhà.

Tách làng vì khác nghề

Kẻ Cót là tên gọi cũ của hai làng Yên Quyết, khi tách làng ra làm hai thì mới có tên gọi là Hạ Yên Quyết (tức làng Bạch Liên Hoa) và Thượng Yên Quyết (làng Giấy - do có nghề truyền thống là sản xuất giấy).

Vốn là ngôi làng nổi tiếng của Hà Nội nên rất nhiều nhà nghiên cứu đã từng vào cuộc tìm hiểu về nguồn gốc lập và tách làng. Có ý kiến cho rằng, cư dân làng Giấy vốn từ làng Hạ Yên Quyết chuyển cư dọc theo dải đất bờ sông Nhuệ về phía Bắc, họ không làm ruộng mà sống bằng nghề làm giấy và dệt.

Chẳng biết ý kiến ấy có chính xác không, nhưng cứ theo nhẽ thường mà xét khi một làng tách ra làm hai, thì sự chuyển cư từ vùng dưới lên vùng trên và ngược lại, cũng chẳng phải là điều quan trọng cho lắm.

Nhưng, lại có ý kiến giải thích nguyên do khiến Kẻ Cót phải tách ra làm hai là do khác nhau về nghề nghiệp và lối sống.

Theo một nguồn sử liệu đáng tin cậy từ Viện Hán Nôm, thì làng Thượng Yên Quyết do một nhóm người làng An Thái tức vùng Kẻ Bưởi chuyển xuống lập cư để có đất làm giấy. Chính sự khác biệt về nghề nghiệp đã khiến làng Kẻ Cót phải tách làng ra làm hai.

Các cao niên địa phương cho rằng, trong thực tế vào thời Lê sơ, cả hai làng Thượng - Hạ Yên Quyết vẫn được gọi chung là Yên Quyết. Mãi cho đến khoảng đầu thế kỷ 16 mới tách thành hai làng do dân số đông. Đến thời vua Đồng Khánh nhà Nguyễn, làng Thượng Yên Quyết mới chính thức đổi thành An Hòa. Lý do làng tách ra làm hai do khác nghề, khác lối sống cũng chỉ coi như một phỏng đoán.

Bốn họ hiển đạt

Bia đá cổ ở đình Hạ Yên Quyết.

Theo các cao niên làng Cót (Cầu Giấy), thủy tổ họ Nguyễn là Nguyễn Như Uyên vào khoa thi Kỷ Sửu, năm Quang Thuận thứ 10 (1469) đã đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ, trở thành người khai khoa cho làng. Sau này, được bổ dụng tới chức Thượng thư Bộ Lại, Chưởng lục Bộ sự (đứng đầu 6 Bộ) kiêm Quốc Tử Giám tế tửu, rồi Nhập thị Kinh Diên, tức giảng sách cho vua.

Đời thứ hai của dòng họ Nguyễn có Xuân Nham đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm 1499. Sau đó đến Nguyễn Khiêm Quang đỗ Giải nguyên, khoa thi Quý Mùi, năm 1523, được ban Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, làm quan tới chức Tham chính.

66 năm sau, họ Nguyễn có Tráng, đỗ Hội nguyên khoa thi Ất Mùi, năm 1589. Khi thi Đình, Nguyễn Tráng đỗ hoàng giáp và làm quan tới chức Đô cấp sự trung, Tá lý công thần. Khi mất được vua phong là Bỉnh Trung Đại vương.

Đến đời thứ 8 của họ Nguyễn có cụ Vinh Thịnh, đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa thi Kỷ Hợi 1659, làm quan tới chức Thẩm hình viện, Giám sát ngự sử. Ngoài ra, thời phong kiến dòng họ Nguyễn làng Cót còn có 33 người đỗ cử nhân, tú tài được bổ làm Tri huyện, Giám trường ở các nơi.

Dòng họ lớn thứ hai của làng Cót là họ Hoàng. Theo cuốn “Thế phả họ Hoàng” do cháu đời thứ 15 là Hoàng Thúc Hội đỗ cử nhân khoa Canh Tý và Hoàng Tất Đạt cử nhân huấn đạo ghi lại, thì cụ thủy tổ của họ Hoàng là Hoàng Quán Chi làm quan Thượng thư thời Trần. Cụ Chi đỗ Thái học sinh khoa thi năm Quý Dậu 1398 làm quan đến chức Thượng thư Thẩm hình viện. Khi mất được tặng Lễ bộ Thượng thư.

Các cao niên trong làng kể rằng: Cụ Chi sinh ra ứng với điềm sao trên trời. Tương truyền khi thân mẫu sáng sớm đi gánh nước, thấy có ngôi sao sa vào thùng nước bèn lấy vạt áo đậy lại đem về để uống. Sau đó có mang và sinh ra Quán Chi. Lớn lên Quán Chi rất thông minh, văn chương trội hơn cả nước.

Chuyện này, nhiều người cho rằng chỉ là một giai thoại để giải thích cho cuộc đời của một danh nhân. Tuy nhiên, chúng tôi tìm thấy một cuốn sách cổ có tên “Bạch Liên Khảo ký” cũng thấy những dòng chép tương tự như vậy.

Thậm chí, sách “Từ Liêm đăng khoa lục” còn ghi tiến sĩ của Từ Liêm xưa bắt đầu từ cụ Quán Chi và là người đỗ đại khoa mở đầu cho huyện. 16 đời sau của họ Hoàng làng Cót cũng đều có người đỗ đạt cao. Đời thứ 17 có Hoàng Mạnh Lãng du học tại Pháp, làm phủ phán thống sứ Bắc kỳ, được Nam triều ban văn giai bát phẩm.

Tiếp theo của làng Cót là họ Quản gắn với tên tuổi cụ Quản Huy Cảnh đỗ hương khoa. Họ Doãn xếp thứ tư trong bốn họ lớn của làng Cót với ba người đỗ đạt làm quan là Doãn Tuấn Tài thi Hội trúng tam trường. Doãn Trung Lương, Doãn Cư Vị đỗ Hồng lô tư hạp môn sứ. Họ Đỗ được xếp sau họ Doãn nhưng có tới 7 người đỗ Hương khoa làm chức huấn đạo, tri huyện.

Tiến sĩ 5 ngày

Bia đá mới lập của làng Giấy chứng minh làng có 11 tiến sĩ.

Theo nghiên cứu của PGS. TS Bùi Xuân Đính, Viện Dân tộc học: Dưới thời phong kiến, cùng với làng Hạ, làng Thượng Yên Quyết có truyền thống hiếu học và khoa bảng của huyện Từ Liêm với 9 người đỗ tiến sĩ là: Đặng Công Toản, Hoàng Viết Ái, Nguyễn Tiến Sần (đỗ Hoàng giáp - 1554), Nguyễn Dung Nghệ, Đỗ Văn Tổng, Đỗ Văn Luân, Nguyễn Công Sán (đỗ Hoàng giáp - 1680), Đỗ Công Toản và Nguyễn Danh Hiền.

Tuy nhiên, nhiều cao niên cho rằng, tổng kết có 9 tiến sĩ là thiếu vì sự thật có tới 11 tiến sĩ, ứng với câu ca “11 đại khoa”. Lần giở lại sử làng cũng như phần bia đá đặt trước đình An Hòa, chúng tôi phát hiện còn hai người đỗ tiến sĩ nữa là Đỗ Bá Lược đỗ Tam giáp tiến sĩ năm Quang Thuận thứ 4 (1463), sau làm đến chức Hàn Lâm viện Thừa trí. Người còn lại là Nguyễn Nhân Đạt đỗ Tam giáp tiến sĩ khoa Giáp Dần triều Mạc (1554), sau làm quan lớn kiêm chức Quốc Tử Giám Tu nghiệp.

Trong số 11 tiến sĩ của làng thì có cụ Nguyễn Tiến Sần đỗ đạt trong hoàn cảnh rất lạ lùng, có một không hai trong lịch sử khoa bảng. Tại khoa thi đầu tiên của nhà Lê Trung Hưng tổ chức tại hành cung An Trường sau gần 30 năm gián đoạn. Cụ Sần khi vào đến Thanh Hóa thì kỳ thi đã qua được 3 trường và bắt đầu sang trường thứ tư. Theo lẽ thường, sẽ chẳng có thí sinh nào dám thi thố nữa khi mà thời gian đã sắp hết.

Chỉ trong 5 ngày, cụ Sần đã làm một mạch 4 bài thi của 4 trường. Các quan giám khảo khi đọc bài thi đều rất kinh ngạc trước tài năng và sức học của người Kẻ Cót. Cụ Sần được lấy đỗ, mà còn là đỗ cao (hoàng giáp). Người đương thời gọi cụ Sần là “ngũ nhật tiến sĩ”, tức tiến sĩ 5 ngày.

Gia tộc khoa bảng

Người 2 làng Thượng – Hạ Yên Quyết của Kẻ Cót xưa vẫn luôn tự hào về một thời vàng son khoa bảng.

Không chỉ có những độc đáo trong giai thoại thi cử, Kẻ Cót còn có gia tộc tiến sĩ. Đó là 3 bố con của một gia đình họ Đỗ, ông bố Đỗ Văn Tổng dạy hai con đỗ là Đỗ Văn Luân và Đỗ Công Toản. Ông Tổng còn dạy hai con khác đỗ hương cống là Đỗ Đình Tấn và Đỗ Công Cơ.

Sau này, Tiến sĩ Đỗ Công Toản lại dạy con là Đỗ Bá Thành đỗ hương cống. Đỗ Bá Thành lại dạy hai con thành tài là Đỗ Như Hoàn, Đỗ Khắc Nhương, cả cháu nội và nhiều người khác trong họ đỗ hương cống, tạo thành gia tộc khoa bảng, gia tộc hay chữ mà làm thành danh hương Kẻ Cót.

Theo sử làng, ngoài 11 tiến sĩ, Kẻ Cót còn có 11 người đỗ hương cống thời nhà Lê. Trong số đó, nổi tiếng nhất là cụ Nguyễn Công Thịnh ở xóm Quan Hoa, thi Hội trúng tam trường vào khoa Kỷ Hợi – 1779. Cụ Thịnh sau đó được bổ làm Nho học Huấn đạo thuộc phủ Lâm Thao, khi về hưu lại mở trường dạy học.

Học trò của cụ lên tới vài trăm người. Sau khi thầy mất, học trò đã xây lăng thờ và góp được 2 mẫu ruộng làm hoa lợi cúng giỗ thầy hàng năm. Đến đời Minh Mệnh năm thứ 8 (1827) các học trò lại lập “Truy tự bi” để ghi nhớ công ơn dạy dỗ.

Làng Kẻ Cót xưa có những phần thưởng khuyến khích nhân tài rất hậu. Dù cả làng chỉ có hơn 40 mẫu ruộng công, nhưng vẫn để ra 5 sào biếu những người đỗ từ tú tài trở lên, còn võ quan thì từ hàm lục phẩm trở lên.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/de-nhat-kinh-ky-danh-khoa-ke-cot-IFDlY3xMg.html