'Đệ nhất danh trà' Thái Nguyên

Từ trước đến nay, người dân ở mọi miền đất nước, nhất là những người hay uống trà tôn vinh 'Đệ nhất danh trà' trà Thái Nguyên bởi hương vị đặc trưng không thể quên. Ngày nay, tỉnh đang có nhiều giải pháp để hương vị trà Thái lan tỏa, là thức uống yêu thích, an toàn, mang lại cuộc sống sung túc cho người làm trà.

Hệ thống tưới tự động, tưới xoay chiều, ứng dụng tưới tiết kiệm vào mùa khô ở xã Tân Cương, TP Thái Nguyên.

Hệ thống tưới tự động, tưới xoay chiều, ứng dụng tưới tiết kiệm vào mùa khô ở xã Tân Cương, TP Thái Nguyên.

Mở rộng diện tích chè sạch, chè đặc sản

Thổ nhưỡng, khí hậu đặc thù và kinh nghiệm trồng, chế biến lâu đời của người dân đã làm nên thương hiệu trà Thái Nguyên nổi tiếng lâu nay. Hai năm 2016 và 2017, trà Thái Nguyên đạt giải đặc biệt và giải bạc tại cuộc thi trà đặc sản quốc tế khu vực Bắc Mỹ - Canada; là quà tặng cho đại biểu dự Hội nghị cấp cao APEC năm 2017 tại TP Đà Nẵng, vùng chè Tân Cương (TP Thái Nguyên) được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý; gần đây trà tôm nõn của hợp tác xã (HTX) chè Hảo Đạt ở xã Tân Cương đạt sản phẩm OCOP 5 sao. Điều đó, càng khẳng định giá trị trà Thái Nguyên.

Nhiều công đoạn chế biến chè đã được tự động hóa.

Vùng đặc sản chè Tân Cương trải rộng trên diện tích gần 2.000 ha trên đồi thấp, nối tiếp nhau như bát úp, tạo nên bức tranh quê gần gũi và trù phú. Những năm gần đây, phương thức và lực lượng sản xuất ở vùng chè Tân Cương không ngường phát triển, tạo ra sản phẩm trà có chất lượng, được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng. HTX chè Hảo Đạt ở xã Tân Cương đến nay đã xây dựng được vùng nguyên liệu chè đạt tiêu chuẩn VietGAP, chăm sóc, thu hái, chế biến và đóng gói với quy trình khép kín.

Giám đốc HTX Chè Hảo Đạt Đào Thanh Hảo chia sẻ: “Phát huy lợi thế chè Tân Cương vốn đã nổi tiếng, chúng tôi tạo dựng thương hiệu, phát triển bền vững bằng cách sản xuất chè sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, mẫu mã đẹp, phù hợp nhiều đối tượng để tăng sức cạnh tranh trên thị trường”.

Với giá trị của trà mang lại, có những loại trà bán với giá từ 3 đến 5 triệu đồng/kg, nhiều HTX và cơ sở chế biến trà ở Tân Cương đã tích cực đầu tư phương tiện, thiết bị sản xuất, chế biến nhằm giảm chi phí đầu vào, giảm nhân công, tăng năng suất lao động. Cơ sở chè Thắng Hường ở xã Tân Cương đầu tư hơn 300 triệu đồng mua thiết bị bay phun thuốc cho chè đạt hiệu quả cao, dây chuyền chế biến khép kín.

Phát huy tiềm năng thế mạnh, xác định là cây trồng chủ lực, năm 2017, Tỉnh ủy Thái Nguyên ban hành “Đề án Nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè và thương hiệu sản phẩm chè Thái Nguyên giai đoạn 2017 - 2020”, đến nay đạt kết quả tích cực. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Lượng cho biết: “Những năm qua, tỉnh đã tập trung đầu tư, hỗ trợ nhân dân tăng diện tích, thay thế các nương chè cũ bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng tốt hơn; hỗ trợ đầu tư thiết bị tưới tự động, dây chuyền chế biến, đóng gói, cải thiện mẫu mã sản phẩm, quảng bá thương hiệu. Do đó, nghề chè ngày càng phát triển theo hướng bền vững, giá trị chè tăng lên”.

Những đồi chè thiết kế đẹp mắt ở thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ có tiềm năng để phát triển du lịch.

Đến nay, Thái Nguyên có gần 18 nghìn ha chè giống mới, chiếm gần 80% diện tích; gần 2.500 ha chè được cấp chứng nhận VietGAP, hàng trăm ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. 100% HTX, cơ sở sản xuất lớn áp dụng kỹ thuật, cơ giới hóa vào các khâu sao, vò chè bảo đảm an toàn thực phẩm, đóng gói hút chân không. Để nâng cao năng suất chè, với sự hỗ trợ của tỉnh và các địa phương, người dân chú trọng đầu tư thâm canh, nhất là đầu tư hệ thống tưới tự động, tưới xoay chiều, ứng dụng tưới tiết kiệm đến nay đạt hơn 20% diện tích chè. Chè đủ độ ẩm, cho thu hái 10 đến 11 lứa/năm, tăng 3-3 lứa so trước đây; sản lượng chè chế biến đạt 48.900 tấn, trong đó sản phẩm chè xanh, chè chất lượng cao đạt hơn 80%.

Đẩy mạnh liên kết, xúc tiến thương mại

Dưới sườn đông dãy núi Tam Đảo được thiên nhiên ưu đãi cho cây chè phát triển, cách đây hơn mười năm, bà Nguyễn Thị Hải vận động thành lập HTX chè La Bằng, là mô hình liên kết sản xuất kiểu mới ở huyện Đại Từ mang thương hiệu chè La Bằng. HTX chè La Bằng sản xuất chè sạch theo chuỗi, đồng nhất về kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến, đóng gói nên chất lượng được nâng cao, được người tiêu dùng tín nhiệm, ưa chuộng.

Những năm vừa qua, hình thức tổ chức, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ trà trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh với 38 doanh nghiệp, 77 HTX, 230 làng nghề, làng nghề truyền thống sản xuất, chế biến, kinh doanh chè. Đây là những hình thức tổ chức sản xuất, chế biến và kinh doanh chè đóng vai trò quan trọng, hiệu quả, phù hợp với đặc thù ở một tỉnh có quy mô, diện tích chè lớn nhất cả nước.

Khách quốc tế thăm vùng chè đặc sản Tân Cương, TP Thái Nguyên.

Bên cạnh những giải pháp nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm trà, tỉnh Thái Nguyên chú trọng quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại trà Thái Nguyên bằng các hình thức tổ chức Festival quốc tế trà Thái Nguyên, lễ hội văn hóa trà, hội chợ triển lãm sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, hội chợ triển lãm “Mỗi xã một sản phẩm”... nhằm thúc đẩy tiêu thụ và xuất khẩu trà.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến nay giá trị của chè Thái Nguyên được nâng lên, bình quân mỗi ha chè thu được 270 triệu đồng, tăng 170 triệu đồng so năm 2015, một số vùng chè đặc sản như Tân Cương, La Bằng đạt giá trị từ 400 đến 650 triệu đồng/ha. Sản lượng chè qua chế biến năm 2020 đạt đạt gần 50 nghìn tấn, trong đó chè xanh, chất lượng cao chiếm 80%, giá trị ước đạt 5.580 tỷ đồng, chiếm 44,3% giá trị sản xuất của ngành trồng trọt toàn tỉnh, góp phần tích cực làm giàu cho những người làm nghề chè.

Gắn kết với phát triển du lịch

Nằm bên cạnh tuyến đường vào vùng đặc sản chè danh tiếng, Không gian văn hóa trà Tân Cương là nơi tỉnh Thái Nguyên tổ chức Festival quốc tế trà định kỳ, được xây dựng tinh tế, mái mầu xanh của lá chè; bên trong bảo tồn, trưng bày nhiều tư liệu, hình ảnh, công cụ chế biến, pha chế, thưởng trà, thể hiện giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của chè.

Không gian văn hóa trà Tân Cương trưng bày quá trình hình thành, phát triển của nghề chè, văn hóa thưởng trà, tôn vinh vùng đất và cộng đồng trồng, chế biến chè. Từ đây, du khách tỏa đi các ngả đường đến vùng trung du Tân Cương với những luống chè được trồng thẳng hàng đẹp mắt trên các đồi chè san sát như bát úp nối tiếp nhau trùng điệp để trải nghiệm, tìm hiểu đời sống vật chất, văn hóa của người trồng chè và nghề chè ở địa phương.

Cơ sở chè Thắng Hường do anh Trần Văn Thắng, ở xóm Hồng Thái II, xã Tân Cương làm chủ đã đầu tư xây dựng một khuôn viên để du khách chụp ảnh, tham quan nương chè của mình, mời vào nhà thưởng trà và ăn kẹo lạc miễn phí. Từ đây, phóng tầm mắt ra chung quanh là những căn biệt thự kiến trúc đẹp trên những đồi chè.

Từ nhà anh Thắng, theo đường bê-tông xuyên qua đồi chè xanh mướt là đến cơ sở sản xuất chè Tiến Yên do anh Bùi Trọng Đại làm chủ lúc nào cũng sẵn sàng đón tiếp du khách trả nghiệm. Anh Đại đầu tư hệ thống đường bê-tông nhỏ, dài gần nghìn mét trong khu vực đồi chè rộng hơn 1ha của mình để du khách tham quan, chụp ảnh; đào ao tạo hồ nước, làm cầu, dựng lều trên hồ để du khách thưởng trà, ngắm cảnh.

Tỉnh Thái Nguyên vừa ban hành Đề án Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định chè là cây trồng hàng đầu phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu để tăng thu nhập, làm giàu cho nhân dân. Trong đó, tỉnh đẩy mạnh thay thế giống chè cũ bằng những giống chè mới cho năng suất, chất lượng cao gắn với chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, gắn kết với phát triển du lịch nhằm nâng cao giá trị gia tăng của chè.

THẾ BÌNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thong-tin-doanh-nghiep/de-nhat-danh-tra-thai-nguyen--660777/