Để nhạc truyền thống phát triển trong học đường

Những tiết học dân ca, xem giáo viên trình bày nhạc cụ dân tộc đem lại sự thích thú cho học sinh. Thế nhưng, do tuổi còn nhỏ, trong điều kiện bị tác động rất lớn bởi âm nhạc hiện đại qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhạc truyền thống cần được quan tâm để đi vào đời sống tâm hồn của các em sâu hơn.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Hiền, giáo viên dạy âm nhạc Trường Tiểu học “B” Mỹ Đức (Châu Phú) cho biết, học sinh hiện nay chỉ mới được “làm quen” với nhạc cụ dân tộc hay nhạc cổ truyền. Giáo viên chủ yếu sưu tầm tranh, ảnh và phát tiếng nhạc cho các em nhận diện. Những trường học có phòng chức năng đầy đủ sẽ chiếu video, clip về nhạc cụ đó, thu hút sự theo dõi của học sinh, giúp hiệu quả tiết dạy sinh động. Ở cấp THCS, học sinh mới biết được nhiều hơn về đàn bầu, đàn nhị, đàn tam, đàn tứ, đàn thập lục, sáo… Nếu giáo viên biết tận dụng những tiết có phân môn “Nghe nhạc” lồng vào nhạc cụ dân tộc, nhạc cổ truyền cho học sinh thưởng thức sẽ càng tốt. Dù chưa hiểu biết nhiều song các em tỏ rõ sự thích thú và muốn nghe nhiều lần. Thầy Huỳnh Văn Tạo, giáo viên dạy nhạc Trường Tiểu học “B” Thạnh Mỹ Tây có sở trường thổi sáo. Trong tiết dạy, thầy thường thổi sáo cho học sinh nghe những bài có giai điệu thuộc thể loại dân ca, quê hương… học sinh rất thích nghe thầy thổi sáo và nhiều em nhờ thầy dạy.

Tiết mục ca cổ của thí sinh Hồng Yến (Trường THCS Hùng Vương – TP Long Xuyên) đạt giải A tại hội thi

Những nghệ nhân, nghệ sĩ đờn ca tài tử trong tỉnh thổ lộ chung mong muốn thể loại nhạc cổ truyền sẽ được đưa vào trường học nhiều hơn để nhen nhóm tình yêu và lửa nghề cho lớp trẻ. Ngay tại những nơi được ví là “cái nôi” của đờn ca tài tử như TX. Tân Châu, trẻ em tìm đến nghệ nhân Trần Văn Suôl học đờn, học hát là những em thực sự có niềm đam mê từ nhỏ, ảnh hưởng từ gia đình, hiếm em nào yêu thích từ tiết học trên lớp mà chọn theo đuổi lâu dài. Đa số giáo viên dạy nhạc cho rằng, dạy nhạc truyền thống cho học sinh rất cực. Trong thời lượng giảng dạy có hạn, các tiết có nhạc truyền thống chiếm số ít và môn nhạc bị xem là “môn phụ”, giờ nhạc chỉ diễn ra sao cho tròn nhiệm vụ.

Các công văn hướng dẫn hội thi ca - múa - nhạc ngành giáo dục (tổ chức 2 năm 1 lần) của Sở Giáo dục và Đào tạo không bắt buộc học sinh tiểu học tham gia đủ các thể loại: ca cổ (tân cổ, vọng cổ), ca nhạc (đơn ca, song ca, tốp ca hoặc hợp xướng), múa, biểu diễn nhạc cụ (độc tấu, song tấu, hòa tấu). Nhưng năm nay, để khuyến khích và tạo đà cho các em yêu thích nhạc cổ truyền, hầu hết Phòng Giáo dục và Đào tạo đều bắt buộc mỗi đơn vị dự thi phải có tiết mục ca cổ mới xếp hạng toàn đoàn. Hưởng ứng tinh thần này, các trường học tham gia rất tích cực. Điển hình tại huyện Châu Phú, năm nay có hơn 20 đơn vị có tiết mục ca cổ (tăng gấp đôi so 2 năm trước). Phần thi ca cổ ở cấp tiểu học được đưa vào tính điểm cộng toàn đoàn, thi diễn nhạc cụ cấp tiểu học và THCS được các đơn vị hưởng ứng mạnh mẽ. Điều này làm cho các em hăng say luyện tập và đam mê với ca cổ nhiều hơn, chất lượng tiết mục diễn ra tại hội thi được đánh giá cao hơn so với lần thi trước. Tại TP. Long Xuyên, có tổng cộng 268 tiết mục ở các thể loại đơn ca, song ca, tốp ca, múa, đơn ca cổ và nhạc cụ, cho thấy văn nghệ là một hoạt động không thể thiếu trong nhà trường. Về chất lượng chuyên môn, đầu tư trang phục, đạo cụ, động tác… được ban tổ chức đánh giá chất lượng vượt trội.

Hội thi ca - múa - nhạc ngành giáo dục và đào tạo đã tạo sân chơi lành mạnh và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các đơn vị. Đặc biệt, hội thi đã đánh dấu bước tiến trong phong trào văn hóa - văn nghệ không chuyên của tuổi trẻ, góp phần giáo dục học sinh yêu những lời ca, điệu nhạc truyền thống thêm hiệu quả. Tương xứng với tinh thần hưởng ứng và sự đầu tư cho phần thi, nhiều tiết mục ca cổ được chấm chọn giải cao. Kỳ vọng rằng, với thể lệ thay đổi tích cực, đây sẽ là một sân chơi thu hút học sinh chú ý, yêu thích hơn dòng nhạc dân tộc.

MỸ HẠNH

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/de-nhac-truyen-thong-phat-trien-trong-hoc-duong-a240419.html