Để người Việt Nam lựa chọn dùng thuốc Việt Nam

Từ năm 2014, Bộ Y tế phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng, triển khai Chương trình truyền thông 'Con đường thuốc Việt' với Đề án 'Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam'. Thuốc sản xuất trong nước được sử dụng ngày càng tăng về số lượng, giá trị và được đánh giá tốt về chất lượng, an toàn, hiệu quả. Tuy nhiên, để thuốc Việt Nam được sử dụng rộng rãi hơn thì cùng với tăng cường chất lượng còn là vấn đề truyền thông và kênh phân phối.

Đã sản xuất được hơn 650 biệt dược

Theo ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế): Năm 2018, tỷ lệ giá trị sử dụng thuốc trong nước tuyến huyện đã tăng lên 76,62%, tuyến tỉnh tăng lên 57,03%, nếu tính cả tuyến huyện và tuyến tỉnh thì tăng lên 63,53%. Hơn 50% các tỉnh đạt tỷ lệ sử dụng thuốc nội từ 50% trở lên về giá trị sử dụng thuốc. Ví dụ, giá trị sử dụng thuốc trong nước trên toàn tỉnh Phú Yên trong hệ thống khám, chữa bệnh công lập chiếm tỷ lệ từ 83,13% (năm 2015) tăng đến 87% (năm 2018). Theo báo cáo của các sở y tế thì Quảng Bình, Tuyên Quang, Kon Tum, Hậu Giang, Ninh Thuận, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Ngãi, Long An có tỷ lệ giá trị sử dụng thuốc sản xuất trong nước chiếm từ 70% đến 76,9% trên tổng giá trị sử dụng thuốc trong năm 2018.

Nhiều bệnh viện tuyến Trung ương đạt tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước cao, từ 30,43% đến 52,8% trên tổng giá trị sử dụng thuốc. Ví dụ, tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP Hồ Chí Minh, danh mục thuốc sử dụng tại bệnh viện đã xây dựng với số lượng đa phần là thuốc sản xuất trong nước. Còn tại Bệnh viện E, hằng tháng, Khoa Dược phải báo cáo tình hình sử dụng thuốc để giám sát việc sử dụng thuốc nội trong điều trị, tránh lạm dụng kê đơn thuốc nhập khẩu đắt tiền. Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam đã triển khai đến các bác sĩ, dược sĩ toàn bệnh viện về Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”...

Cấp thuốc chữa bệnh cho người dân huyện Can Lộc (Hà Tĩnh).

Cấp thuốc chữa bệnh cho người dân huyện Can Lộc (Hà Tĩnh).

Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: "Mặc dù bệnh viện đã tăng cường chỉ đạo dùng thuốc Việt Nam nhưng do nhiều bệnh nhân nặng, yêu cầu điều trị nhiều thuốc đặc trị mà các cơ sở sản xuất trong nước lại chưa sản xuất được nên vẫn phải sử dụng hàng nhập khẩu. Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả của việc sử dụng thuốc Việt Nam trong bệnh viện, cùng với việc tạo cơ chế thuận lợi trong công tác đấu thầu với các nhà sản xuất trong nước, bệnh viện sẽ tạo thuận lợi tối đa cho thuốc Việt Nam được chứng minh chất lượng”.

Thời gian qua, các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước đã không ngừng nỗ lực áp dụng kỹ thuật-công nghệ cao sản xuất dược phẩm, nâng cao chất lượng để đưa ra thị trường các sản phẩm thuốc có hiệu quả điều trị cao, được chứng minh tương đương sinh học với các biệt dược gốc, sản xuất các sản phẩm dạng bào chế hiện đại, sản xuất các thuốc chuyên khoa đặc trị. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đã liên tục cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm thuốc, bảo đảm chất lượng và thẩm mỹ, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập.

Số liệu báo cáo cho thấy, thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thuốc cho công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân. Doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất được 12/13 loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Hiện cả nước có 198 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế thế giới, 11 nhà máy đã đầu tư và đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến như tiêu chuẩn của châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Cục Quản lý Dược cũng cho biết, thuốc sản xuất trong nước đáp ứng đầy đủ 27 nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới. Đặc biệt, có 652 thuốc trong nước đã được công bố chứng minh tương đương sinh học so với thuốc biệt dược gốc, thuốc phát minh.

Còn nhiều khó khăn để thuốc Việt Nam vào bệnh viện công

Theo mục tiêu giai đoạn 2 của Đề án "Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam" đặt ra, đến năm 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước chiếm 30% tại các bệnh viện tuyến Trung ương, 50% ở bệnh viện tuyến tỉnh và 75% ở bệnh viện tuyến huyện. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, trở ngại lớn nhất khi thực hiện đề án là việc kê thuốc do bác sĩ và quyết định của bệnh nhân. Giám đốc nhiều bệnh viện tuyến Trung ương cũng chia sẻ, dù bệnh viện rất muốn sử dụng nhiều loại thuốc sản xuất trong nước để phục vụ công tác khám, chữa bệnh nhưng do bệnh viện là tuyến cuối, tập trung nhiều bệnh nhân nặng, mắc bệnh hiểm nghèo, đòi hỏi nhiều loại thuốc đặc trị mới có thể điều trị khỏi bệnh.

Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Huy Văn, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Traphaco: Việc đưa thuốc nội vào các bệnh viện công hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do các bác sĩ bệnh viện tuyến Trung ương quen sử dụng thuốc biệt dược nổi tiếng ở nước ngoài nên thuốc nhập khẩu vào các bệnh viện công vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Cùng với đó, các bệnh viện đang dần tự chủ về tài chính nên sẽ phải cạnh tranh với nhau về chất lượng dịch vụ và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Việc chạy theo xu hướng dùng thuốc ngoại là không thể tránh khỏi, nhằm đáp ứng tâm lý "sính ngoại" của người dân.

Trước những khó khăn này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho rằng: "Không chỉ nỗ lực thay đổi thói quen của người dân trong việc sử dụng thuốc nội, cùng với đó cũng đòi hỏi các doanh nghiệp nỗ lực quảng bá thuốc Việt Nam, đưa ra thị trường các sản phẩm thuốc tốt, giá thành phù hợp".

Cùng quan điểm trên, ông Đoàn Đình Duy Khương, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang cho rằng: "Để thuốc Việt Nam chiếm lĩnh được thị trường trong nước, tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng, điều quan trọng nhất là cần khẳng định được chất lượng. Doanh nghiệp dược trong nước phải nỗ lực về chất lượng, bảo đảm việc sản xuất thuốc một cách nghiêm ngặt và mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm tốt nhất; giá cả thuốc sản xuất trong nước phải phù hợp với túi tiền của người dân Việt Nam”.

Bài, ảnh: DIỆP CHÂU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/de-nguoi-viet-nam-lua-chon-dung-thuoc-viet-nam-583569