Để người Việt Nam chọn hàng Việt Nam

Trong bối cảnh vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa khôi phục sản xuất, kinh doanh, cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' đã phát huy hiệu quả trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Phóng viên Báo Hànôịmới đã trao đổi với Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương về những giải pháp để người Việt Nam chọn, mua, sử dụng hàng Việt Nam.

Hà Nội triển khai nhiều chương trình kết nối đưa hàng hóa của các địa phương khác về phục vụ người tiêu dùng Thủ đô.

- Việc kích cầu thị trường nội địa, người Việt lựa chọn, sử dụng hàng Việt là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19. Đồng chí có thể cho biết, Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội đã thực hiện giải pháp này như thế nào?

- Từ đầu năm 2020 đến nay, thành phố Hà Nội triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh đặc biệt, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa thực hiện các giải pháp bảo đảm tăng trưởng. Dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, kinh tế Thủ đô dần hồi phục. Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) 6 tháng đầu năm tăng 3,39%, cao gấp 1,8 lần mức tăng trưởng bình quân của cả nước.

Góp sức vào thành tích chung đó, Ban Chỉ đạo cuộc vận động cấp thành phố và cấp địa phương đã phối hợp với chính quyền các cấp chủ động triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, ứng phó với dịch Covid-19, khai thác và kích cầu thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

- Những công việc cụ thể là gì, thưa đồng chí?

- Cụ thể, Sở Công Thương đã triển khai việc kết nối tiêu thụ, liên kết vùng, qua đó đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng hàng Việt Nam; nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, qua đó đề xuất giảm 37 loại phí, lệ phí thuộc lĩnh vực công thương; quảng bá các sản phẩm công nghiệp chủ lực; hướng dẫn thành lập các cụm công nghiệp theo quy hoạch… Sở NN&PTNT tổ chức Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); các hoạt động quảng bá, giới thiệu thương hiệu sản phẩm... Các cơ quan quản lý nhà nước chủ động tham mưu thành phố cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, thu hút đầu tư...

Đáng chú ý, nhận thức được ý nghĩa quan trọng của cuộc vận động, các doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư, thay đổi công nghệ, áp dụng khoa học quản lý, tiết kiệm chi phí gián tiếp để nâng cao chất lượng hàng hóa, tạo sự đa dạng mẫu mã sản phẩm, coi trọng khách hàng hơn...

- Xin đồng chí cho biết những tồn tại cần khắc phục trong quá trình thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn Thủ đô?

- Qua quá trình thực hiện, vẫn còn những đơn vị chưa nhận thức đầy đủ mục đích, ý nghĩa, nội dung của cuộc vận động; một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, gắn kết việc thực hiện cuộc vận động với nhiệm vụ chính trị của địa phương. Công tác phối hợp của các lực lượng chức năng ở một số lĩnh vực chưa thực sự hiệu quả, chưa đáp ứng được nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Vẫn còn những doanh nghiệp chưa chú trọng bảo vệ thương hiệu. Tình trạng hàng giả, hàng nhái còn tồn tại…

- Để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng đi vào chiều sâu, Ban Chỉ đạo thành phố sẽ triển khai những giải pháp gì, thưa đồng chí?

- Từ nay đến cuối năm 2020, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cần đáp ứng yêu cầu thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa phòng, chống dịch. Ban Chỉ đạo thành phố đề ra các nhiệm vụ cụ thể, có trọng tâm trọng điểm. Theo đó, các đơn vị thành viên và ban chỉ đạo các địa phương tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền. Chú trọng giới thiệu, tôn vinh sản phẩm, hàng hóa Việt Nam chất lượng cao, nhất là các sản phẩm, dịch vụ được bình chọn là “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”; đồng thời đẩy mạnh đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Ban Chỉ đạo yêu cầu các đơn vị thành viên tiếp tục triển khai chương trình kích cầu nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng thành phố Hà Nội; rà soát, triển khai chương trình kết nối giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài vào thời điểm phù hợp. Tiếp tục rà soát, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu các sản phẩm có thế mạnh của địa phương; triển khai các chương trình xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường; xây dựng các trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, hàng hóa. Đồng thời, đưa hàng Việt về khu vực ngoại thành, vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp…

Bên cạnh đó, việc thực hiện cuộc vận động cần sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, cũng như tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị để cuộc vận động thực sự trở thành hoạt động của toàn dân.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Thanh Hiền

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/973789/de-nguoi-viet-nam-chon-hang-viet-nam