Để người 'ngồi đợi' thành người 'đi câu…'

Cách đây ít ngày, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định bãi bỏ chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở những vùng khó khăn.

Tôi không phải là một hộ nghèo, nhưng do thường xuyên thực hiện các hoạt động từ thiện ở những vùng sâu vùng xa, tiếp xúc nhiều với người nghèo ở những khu vực này, tôi thấy quyết định này có phần vội vã.

Có đến với những người nghèo, ăn với họ, ở cùng họ, sống và sẻ chia với họ mới thấy rằng khoản tiền hỗ trợ hằng năm của Nhà nước dù không lớn nhưng cũng giúp họ rất nhiều trong việc tổ chức đời sống của mình và gia đình mình.

Theo Tòa soạn, trong một bối cảnh như vậy, quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã thật sự hợp tình hợp lý hay chưa?

(Bạn đọc Hoài Nam - Hà Nội)

Tôi nhớ là cách đây vài năm, ở Thanh Hóa từng diễn ra câu chuyện Nhà nước hỗ trợ trâu cho các hộ nghèo phát triển kinh tế. Nhưng không hiểu sao mà con trâu cứ bị "kẹt" mãi ở nhà một ông chủ tịch xã, chứ không đến được với người nghèo.

Câu chuyện này có lẽ điển hình cho việc rất nhiều chính sách tốt đẹp, nhân văn của chúng ta thực ra lại không đạt được hiệu quả cuối cùng như chúng ta mong muốn. Nhưng nếu vì thế mà lại vội vàng khai tử những chính sách tốt đẹp, nhân văn thì có cái gì đó không ổn.

Tại sao lại xóa bỏ tiền hỗ trợ người nghèo, mà không giám sát việc chuyển tiền tới tay họ, để đồng tiền ấy đích thực là của họ, và là của họ một cách trọn vẹn?

(Bạn đọc Nguyễn Thị Ninh - Quảng Nam)

Thay vì hỗ trợ tiền, Nhà nước có thể hỗ trợ 50% giống, thuốc trừ sâu... để người dân có điều kiện canh tác, sản xuất.

Quý độc giả thân mến!

Trong một tuần vừa qua, chúng tôi liên tiếp nhận được những câu hỏi, những thắc mắc liên quan đến một quyết định rất mới và rất nóng của Thủ tướng Chính phủ: Bãi bỏ quyết định 102 về việc hỗ trợ trực tiếp cho những người dân thuộc hộ nghèo ở những vùng khó khăn.

Cũng dễ hiểu, vì với đất nước chúng ta, những khái niệm như "người nghèo" - "hộ nghèo" vẫn luôn tạo được một sự quan tâm đặc biệt, không chỉ với bản thân những "người nghèo", mà với cả dư luận xã hội nói chung.

Thực tế là từ ngày 1-1-2010, Quyết định 102 về chính sách hỗ trợ cho người nghèo đã được triển khai với hai điểm cơ bản:

- Hỗ trợ 80.000 đồng/ người/ năm ở xã khu vực II, xã biên giới, xã bãi ngang, hải đảo...

- Hỗ trợ 100.000 đồng/ người/ năm ở xã khu vực III.

Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một người có nhiều năm nghiên cứu, và thấu hiểu đời sống của những hộ nghèo ở các xã khu vực II và khu vực III thì mức hỗ trợ 80.000 đồng - 100.000 đồng/năm thực sự là quá nhỏ bé so với thu nhập của ngay cả những người nghèo, chứ chưa nói tới của người dân nói chung.

Với số tiền đó, người nghèo chỉ có thể trang trải thêm cuộc sống của mình trong vài ngày, cùng lắm là vài tuần, chứ không đủ để đầu tư, sản xuất bất cứ thứ gì.

Ở đây, chúng tôi đồng tình với quan điểm của bạn đọc Hoài Nam - Hà Nội, rằng với người nghèo thì một đồng, một hào cũng quý, nhưng nếu những chính sách của chúng ta vẫn mãi chỉ hướng đến việc giải quyết "một đồng, một hào" mang tính nhất thời, mà không thể giúp người nghèo tìm ra một con đường sáng sủa cho tương lai thì nó có phải là những chính sách mang tính căn cơ bền vững hay không?

Chúng ta đã thực hiện quyết định 102 trong suốt 8 năm, và trong 8 năm ấy đã có hơn 40 triệu lượt người nghèo được hỗ trợ, đã có một khoản tiền ngân sách từ 400 - 500 tỉ đồng/ năm được chi ra cho công việc này, nhưng tổng kết lại, chúng ta nhận thấy nó chỉ hướng đến việc giúp người nghèo đột nhiên có được một "con cá", mà chỉ là những "con cá nhỏ", chứ chưa thể giúp họ có được cái "cần câu" để đảm bảo một đời sống ổn định lâu dài, do vậy theo chúng tôi, sự thay đổi là cần thiết.

Về ý kiến của bạn đọc Nguyễn Thị Ninh (Quảng Nam), rằng có những khoản hỗ trợ người nghèo không đến được tay người nghèo, mà cứ bị kẹt lại ở tay của lãnh đạo huyện, lãnh đạo xã, thực tế điều này có thật.

Thậm chí còn có một sự thật oái ăm hơn: có những hộ gia đình đã "chạy" lãnh đạo xã để được xác nhận hộ nghèo, để từ đó được nhận những khoản hỗ trợ mà lẽ ra phải thuộc về người khác.

Mong rằng ngay cả việc cung cấp "cần câu" sẽ được triển khai một cách hợp lý với mỗi một đối tượng "đi câu" khác nhau, thuộc từng vùng miền, từng hộ gia đình khác nhau.

Những biểu hiện bất minh, bất công bằng trong việc triển khai chính sách như vậy là điều đã được báo chí công khai đề cập trong nhiều năm qua. Nhưng chắc chắn, đấy không phải là lý do để chúng ta khai tử một chính sách vốn đã được thực hiện trong suốt 8 năm.

Lý do căn bản để khai tử và thay đổi như chúng tôi đã nói, nằm ở chỗ: Phải giúp người nghèo có được "cần câu", chứ không phải chỉ có những "con cá nhỏ".

Vấn đề đáng bàn tiếp theo là phải làm gì để "con cá" dần dần trở thành cái "cần câu"?

Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện Chính sách và Phát triển truyền thông đã chia sẻ trên báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh một ý kiến rất đáng chú ý: "Thay vì chọn giải pháp hỗ trợ trực tiếp, hoàn toàn có thể hình thành các quỹ tài chính vi mô cộng đồng góp phần giảm nghèo. Kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo ở nhiều quốc gia trên thế giới chỉ ra: hạ tầng đi đến đâu, đường giao thông đi đến đâu, chợ mọc lên ở đâu... kinh tế vùng khá lên ở đó!".

Điều này có nghĩa là, thay vì hỗ trợ những khoản tiền trực tiếp và nhỏ giọt cho người nghèo, chúng ta cần nâng cao điều kiện sinh hoạt và cơ sở hạ tầng nói chung cho người nghèo, để khoảng cách từ "thế giới nghèo" đến "thế giới văn minh" thu hẹp lại.

Nói đến chuyện "khoảng cách", chúng tôi lại nhớ đến một câu chuyện diễn ra vào khoảng những năm 70 ở thế kỷ trước tại Hàn Quốc, khi người Hàn cũng thực hiện một phong trào xóa đói giảm nghèo quyết liệt tại các vùng nông thôn.

Khi đó, ở mỗi khu vực đều có những lãnh đạo cộng đồng do người dân nghèo trực tiếp bầu ra, và nhóm lãnh đạo này có một đặc quyền rất lớn là được gặp gỡ tổng thống bất cứ khi nào.

Đấy chính là một cách làm hữu hiệu để "tiếng nói người nghèo" thực sự đến được nơi cần đến, và "thế giới người nghèo" thực sự được thu hẹp lại với "thế giới người giàu" - "thế giới của những nhà lãnh đạo".

Vẫn liên quan đến chuyện biến "con cá" thành "cần câu", chúng tôi cũng rất chú ý đến quan điểm của PGS.TS Nguyễn Lê Ninh (ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP HCM), đó là thay vì hỗ trợ tiền, nhà nước có thể hỗ trợ 50% giống, thuốc trừ sâu... để người dân có điều kiện canh tác, sản xuất.

Có được hạt giống, có được thuốc trừ sâu, có được con bò... nghĩa là người dân nghèo sẽ có được những "cái cần" đầu tiên để mà hy vọng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc cung cấp những "cái cần" cũng không thể thực hiện một cách ồ ạt, chủ quan, hình thức. Bởi mỗi một vùng miền khác nhau, một hộ gia đình khác nhau lại có những đặc điểm sinh tồn khác nhau, và do đó lại cần những "cái cần" khác nhau.

Từng có một câu chuyện dở khóc dở cười diễn ra vào năm 2015 ở xã nghèo Bình Lãnh (Quảng Nam), khi có tới hàng chục con bò giống được phân phát cho người dân. Nhưng hai năm sau, đã có tới 17/62 hộ dân phải bán bò. Tại sao vậy? Tại vì có những hộ chỉ có hai ông bà già 70, 80 tuổi - cái tuổi mà tự nuôi mình đã khó, chứ đừng nói gì nuôi thêm một con bò.

Vì cố nuôi, nên đã có cụ già bị bò kéo ngã, rồi bị giẫm lên tới mức suýt gãy chân. Như thế có nghĩa, mặc dù chúng ta đã cung cấp cho người nghèo cái "cần câu", nhưng vì không chịu tìm hiểu kỹ càng đặc điểm người "đi câu" mà cuối cùng chúng ta lại khiến người nghèo buộc phải bán luôn cả "cần".

Trở lại với việc bãi bỏ Quyết định 102 về việc hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, nhìn ở nhiều góc độ khác nhau, cân nhắc nhiều chiều lợi - hại khác nhau, chúng tôi cho rằng nó thể hiện rất rõ một tư duy: không cung cấp "con cá" mà hướng đến việc cung cấp "cần câu".

Chỉ mong rằng ngay cả việc cung cấp "cần câu" cũng sẽ được triển khai một cách hợp lý với mỗi một đối tượng "đi câu" khác nhau, thuộc từng vùng miền, từng hộ gia đình khác nhau.

Để những người có thói quen ngồi "đợi cá" dần dần trở thành những người chủ động "đi câu" đã là một việc rất khó. Cung cấp những cái "cần câu" hợp lý để người câu có thể câu được nhiều cá nhất, thay vì phải tính đến chuyện... bán cần, lại là việc khó hơn nhiều.

Khó! Nhưng chắc chắn chúng ta phải làm bằng được!

Nhà báo Vương Trọng Tín

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/28cuthang__-de-nguoi-ngoi-doi-thanh-nguoi-di-cau-498318/