Để người khuyết tật tiếp cận công trình phúc lợi xã hội

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều công trình phúc lợi xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu để người khuyết tật (NKT) được tiếp cận, sử dụng tham gia hoạt động tạo sự bình đẳng hòa nhập cộng đồng xã hội.

Đường tiếp cận dành cho NKT tại Trung tâm Phục vụ hành chính công huyện Bình Liêu.

Đường tiếp cận dành cho NKT tại Trung tâm Phục vụ hành chính công huyện Bình Liêu.

Theo số liệu khảo sát mới đây của Hội Bảo trợ NKT-TMC tỉnh thực hiện tại 40/177 xã, phường, thị trấn; 6/13 huyện, thị xã, thành phố và 21 công trình lớn trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả khảo sát cho thấy các công trình có hạng mục phục vụ NKT đạt tỷ lệ rất thấp, cụ thể là 7/40 trụ sở UBND cấp xã, phường có đường tiếp cận cho NKT; có 1/40 trường tiểu học có đường tiếp cận; có 11/40 trạm y tế cấp xã có đường tiếp cận; 1/121 nhà văn hóa thôn, khu dân cư có đường tiếp cận. Đối với cấp huyện, trong 78 công trình tại 6 huyện, thị xã, thành phố chỉ có 19 công trình có đường tiếp cận dành cho NKT, còn lại 59 công trình không có đường tiếp cận dành cho NKT (chiếm 75,7%).

Còn đối với cấp tỉnh, kết quả cho thấy 13/21 công trình được khảo sát có đường tiếp cận dành cho NKT. Tại 21 công trình khảo sát đó, có 11 công trình xây dựng sau 2012 (năm Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1019/QĐ-TTg, ngày 5/8/2012 phê duyệt đề án trợ giúp NKT được tiếp cận các công trình phúc lợi xã hội). Theo quyết định trên, những công trình phục vụ xã hội sẽ phải thiết kế bổ sung các hạng mục đảm bảo cho NKT được tiếp cận, sử dụng. Tuy nhiên, trong số 11 công trình xây dựng sau năm 2012 có 10 công trình đảm bảo các tiêu chí về diện tích, chiều rộng, độ dốc... đường tiếp cận phục vụ cho NKT. Duy nhất là trụ sở Trung tâm Dịch vụ và Giới thiệu việc làm tỉnh được xây dựng sau năm 2012 không có đường tiếp cận dành cho NKT. Điều này cho thấy các đơn vị thiết kế, kiểm định, phê duyệt xây dựng công trình chưa quan tâm chú trọng việc bổ sung đường tiếp cận dành cho NKT mà Chính phủ quy định.

Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có tổng số 20.851 NKT, trong đó có 11.633 người dạng nặng và 4.010 người đặc biệt nặng phải di chuyển bằng xe lăn. Anh Trần Mạnh Hà, 39 tuổi ở khu 5, phường Đức Chính (TX Đông Triều) là NKT đặc biệt nặng phải ngồi xe lăn. Anh Hà cho biết: Mỗi lần đi đâu làm gì tôi đều phải nhờ người thân đưa đi vì các công trình giao thông hay trụ sở làm việc của một số đơn vị không có đường tiếp cận cho NKT. Mặc dù phải nhờ người thân hoặc nhờ người lành lặn giúp đỡ nhiều lúc bản thân tôi thấy rất bất tiện. Tôi mong muốn rằng, các đơn vị nên quan tâm, xây dựng công trình công cộng, công viên, các cơ quan, đơn vị cần thiết kế công trình đường tiếp cận, nhà vệ sinh để NKT được thuận lợi sử dụng.

Bộ phận một cửa tại xã Quảng Minh (huyện Hải Hà) không có đường tiếp cận dành cho NKT.

Tâm sự của anh Hà cũng là mong mỏi chung của NKT hiện nay được tiếp cận, sử dụng công trình phúc lợi để tham gia hoạt động cộng đồng, bình đẳng với xã hội. Đánh giá về các công trình phúc lợi xã hội trên địa bàn tỉnh, ông Lãnh Thế Vinh, Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT-TMC tỉnh, cho biết: Qua khảo sát và tìm hiểu của chúng tôi cho thấy, các cấp chính quyền chưa thực sự quan tâm khi quy hoạch xây dựng các công trình công cộng, công trình phúc lợi có đường tiếp cận dành cho NKT. Phần lớn những công trình này sử dụng vốn ngân sách nhà nước, có rất ít công trình sử dụng từ nguồn xã hội hóa.

Để NKT tái hòa nhập cộng đồng, tiếp cận dễ dàng hơn với công trình xây dựng, giao thông, các sở, ngành cần nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước; tăng cường hướng dẫn, thẩm định, kiểm tra, giám sát thực hiện quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành đối với các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng đảm bảo NKT tiếp cận công trình phúc lợi xã hội, giúp họ bình đẳng, hòa nhập cộng đồng, xã hội.

Dương Trường

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202010/de-nguoi-khuyet-tat-tiep-can-cong-trinh-phuc-loi-xa-hoi-2503997/