Để người khuyết tật sớm tiếp cận với giao thông đường sắt

Phát triển giao thông công cộng đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt với người khuyết tật (NKT) là mục tiêu mà Bộ Giao thông vận tải (GTVT) hướng đến. Thế nhưng, để đạt được mục tiêu đó, rất cần những giải pháp cụ thể, hiệu quả.

Theo Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT): "Giao thông tiếp cận" là hệ thống giao thông văn minh, lịch sự, an toàn, thuận lợi, đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của người dân, trong đó có NKT. Ở nước ta, khái niệm “giao thông tiếp cận” hiện vẫn khá mới mẻ, nên chưa có nhiều công trình giao thông, phương tiện công cộng tạo thuận lợi tối đa cho NKT. Bà Trương Thị Ngọc Anh (Hội NKT tỉnh Thừa Thiên-Huế), tâm sự: “Mới đây, tôi đi tàu hỏa tuyến Hà Nội-Đà Nẵng. Tại ga Hà Nội, tôi được nhân viên đường sắt giúp đỡ lên toa xe, hỗ trợ mang vác và sắp xếp hành lý. Thế nhưng, do sự phối hợp giữa các nhà ga chưa tốt nên khi đến ga Đà Nẵng, tôi phải tự mình tìm đường xuống tàu, do không nhận được sự giúp đỡ của nhân viên nhà ga”.

Theo bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội NKT TP Hà Nội: Hiện nay, khi tham gia giao thông đường sắt, khó khăn mà NKT gặp phải là sàn nhà ga lát bằng loại đá dễ trơn trượt đối với người dùng gậy, nạng. Chỉ dẫn tại nhà ga và các thiết bị dành cho người khiếm thính dường như chẳng có gì; quầy bán vé không tạo thuận lợi cho người dùng xe lăn khi muốn hỏi thông tin…

Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã chú trọng đến đối tượng hành khách là người khuyết tật. Ảnh: TTXVN

Để khắc phục tình trạng trên, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp khắc phục. Cụ thể, ngành đã có quy định giảm 30% giá vé, giá dịch vụ cho NKT nặng và tiến hành bán vé qua mạng để khuyến khích NKT tham gia giao thông đường sắt. Song, để chứng minh là NKT, những hành khách mua vé qua mạng vẫn gặp không ít phiền hà về thủ tục hành chính, nhất là có những câu hỏi bảo mật không cần thiết.

Để hỗ trợ NKT trong việc tiếp cận với giao thông công cộng, các cơ quan chức năng đã chủ động vào cuộc và đưa ra những giải pháp hiệu quả. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2012/NĐ-CP điều chỉnh lĩnh vực này và chỉ đạo các cơ quan chức năng đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông theo hướng hỗ trợ tối đa cho NKT để họ tham gia di chuyển bằng hệ thống giao thông công cộng, nhất là giao thông đường sắt một cách thuận tiện nhất. Thế nhưng, sự cố gắng này mới chỉ dừng lại ở mức độ nhất định. Ví dụ, ngành đường sắt Việt Nam có 19 ga với lượng khách lớn, nhưng chỉ có ga: Hà Nội, Ninh Bình, Sài Gòn, Lào Cai có mái che, đường dốc, cửa tự động phục vụ hành khách là NKT. Mặt khác, theo phản ảnh của NKT, đường dốc lên tàu vẫn quá cao, nhà vệ sinh trên tàu lại nhỏ khiến những người sử dụng xe lăn khó tiếp cận. Ngoài ra, cần có các chương trình, dự án cải tạo công trình công cộng, đặc biệt nên có toa tàu lưu động hỗ trợ NKT, cải tạo nhà vệ sinh, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên đường sắt để bảo đảm quyền và nghĩa vụ của NKT được thực thi. Sở dĩ còn tồn tại những vấn đề nêu trên là do vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường sắt còn hạn chế. Trong những năm gần đây, nhu cầu vốn ngân sách cấp cho hoạt động duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt mới chỉ đáp ứng 30% nhu cầu thực tế.

Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội, chia sẻ: "Khi triển khai dự án đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh-Hà Đông), chúng tôi đã chỉ đạo bộ phận chức năng chú trọng đến đối tượng hành khách là NKT. Cụ thể, các cửa ra vào đều bố trí thang máy thẳng đứng chạy từ mặt đất kết nối với mặt dốc phục vụ NKT. Trên tàu, NKT được bố trí chỗ ngồi riêng, đánh dấu bằng màu ghế khác và có vị trí riêng dành cho NKT sử dụng xe lăn. Tại sàn lối lên xuống và trong nhà ga đã làm đường gạch chỉ dẫn cho người khiếm thị, kết nối với đường gạch chỉ dẫn cho NKT tại vỉa hè"…

Để NKT tiếp cận được với giao thông công cộng nói chung và đường sắt nói riêng cần phải có lộ trình cụ thể và dài hạn chứ không thể trong “một sớm một chiều”. Chính vì vậy, ngành đường sắt cần chủ động tuyên truyền, vận động và sớm triển khai xã hội hóa trong việc cải tạo, sửa chữa đường sắt, nâng cấp các dịch vụ đủ hấp dẫn để thu hút người dân, trong đó có NKT tham gia.

HÀ MY

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/de-nguoi-khuyet-tat-som-tiep-can-voi-giao-thong-duong-sat-556378