Để người dân nói không với xuất cảnh trái phép

Trong thời gian qua, BĐBP Nghệ An đã phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam và các địa phương tuyến biên giới biển của tỉnh thực hiện các hoạt động truyền thông, phòng, chống đưa người di cư trái phép từ Việt Nam sang Australia bằng đường biển. Hoạt động được tổ chức với những nội dung, hình thức phong phú đã giúp người dân hiểu rõ hơn, cảnh giác với những thủ đoạn lừa gạt đưa người đi lao động, di cư trái phép.

Ông David Knight truyền thông về di cư an toàn tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Xuân Ôn, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Hải Thượng

Ông David Knight truyền thông về di cư an toàn tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Xuân Ôn, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Hải Thượng

Tuyến bờ biển tỉnh Nghệ An dài 82km. Dân cư ven biển bố trí đông đúc, cuộc sống chủ yếu phụ thuộc vào nông, ngư nghiệp. Đây cũng là khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai nên đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Li hương tìm kiếm việc làm, cơ hội đổi đời là nhu cầu có thật của nhiều người dân địa phương.

Lợi dụng tình hình đó, một số cá nhân, tổ chức đã móc nối để lừa gạt, lôi kéo nhân dân tham gia vào hoạt động xuất cảnh trái phép sang nước ngoài bằng đường biển. Điều đó đe dọa đến tính mạng, sự tổn thất về kinh tế cho nhiều gia đình. Đồng thời, gây mất ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao của Nhà nước ta.

Trong những năm qua, BĐBP Nghệ An đã phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), chính quyền các địa phương thực hiện các hoạt động truyền thông phòng, chống đưa người di cư trái phép từ Việt Nam sang Australia bằng tàu thuyền. Các hoạt động truyền thông được tổ chức với nhiều hình thức khác nhau như tư vấn trực tiếp, xem tiểu phẩm, trả lời câu hỏi, chiếu video... Qua đó, cung cấp thông tin để người dân biết rõ các quy định nhập cảnh của Australia và những hậu quả sẽ xảy ra đối với người di cư trái phép sang Australia bằng đường biển. Đồng thời, giới thiệu những thông tin về thị trường lao động nước ngoài, kinh phí, thủ tục xuất khẩu lao động theo quy định của pháp luật.

Ông David Knight, Trưởng Phái đoàn Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam cho biết: “Việt Nam đang ngày càng mở cửa với thế giới, người dân có nhiều hơn các lựa chọn và cơ hội di cư ra nước ngoài để làm việc và sinh sống. IOM đã và đang nỗ lực truyền thông để tăng cường nhận thức của cộng đồng tại một số tỉnh, thành trọng điểm, nơi có số lượng lớn người di cư lao động nhằm giúp người dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc di cư hợp pháp và tuân thủ pháp luật. IOM đang làm việc tích cực với các cơ quan đối tác và chính quyền địa phương để tìm ra các cơ hội tốt nhất cho người di cư lao động”.

Cùng với đó, BĐBP Nghệ An đã chủ động tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động đưa người di cư, xuất cảnh trái phép, siết chặt công tác quản lý tại các khu vực cửa khẩu, biên giới, vùng biển, chú trọng việc giám sát, quản lý hành chính trên từng địa bàn. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm giúp người dân có nhận thức đúng và sâu sắc hơn về những nguy hiểm của việc vượt biên trái phép sang Australia bằng tàu thuyền.

Từ năm 2014 đến nay, BĐBP Nghệ An đã phối hợp thực hiện 20 đợt truyền thông cộng đồng trên diện rộng, thu hút hơn 10.300 người dân theo dõi; tổ chức tuyên truyền tại 5 trường học và dạy nghề với trên 1.850 học sinh, giáo viên tham dự; tổ chức 24 cuộc truyền thông cho các nhóm đối tượng “đặc biệt” với 1.200 người, 9 cuộc hội thảo cấp tỉnh với 120 cán bộ các sở, ngành, huyện, thị tham gia; cấp phát hơn 5.000 tờ rơi, áp phích video clip, 500 áo phông, 700 túi xách in biểu tượng truyền thông và phát đi 45 bản tin chứa thông điệp về phòng chống đưa người di cư trái phép trên loa truyền thanh địa phương...

Nhờ đó, từ năm 2014 đến nay, các đường dây tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép sang Australia không xảy ra trên địa bàn tuyến biển Nghệ An.

Người dân tìm hiểu các tờ rơi tuyên truyền về di cư an toàn. Ảnh: Hải Thượng

Tại các buổi hoạt động truyền thông cộng đồng, đại diện Đại sứ quán Australia cũng đã thông báo về tình hình và chính sách của Chính phủ Australia trong việc ngăn chặn, xử lý công dân các nước di cư bất hợp pháp vào nước này. Theo đó, Chính phủ Australia đã phát động một chiến dịch mới nhằm cứu sống những sinh mạng trên biển mang tên “Không cơ hội”.

Chiến dịch này nhằm mục đích cảnh báo người Việt về bản chất tội phạm của hoạt động đưa người trái phép qua biên giới và nâng cao nhận thức về những mối nguy hiểm, hậu quả và những nỗ lực vô ích khi tìm cách tới Australia trái phép bằng đường biển. Thông qua Chiến dịch “Chủ quyền biên giới”, Australia tiếp tục cam kết bảo vệ biên giới của mình, đấu tranh chống lại nạn đưa người trái phép qua biên giới và ngăn không để ai phải bỏ mạng trên biển.

Ông Stacey Leigh Walker, Phó Giám đốc Chương trình truyền thông Chiến dịch “Chủ quyền biên giới” của Chính phủ Australia cho biết: “Chính phủ Australia, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và BĐBP đã cùng hợp tác lâu dài trong cuộc đấu tranh phòng chống nạn đưa người trái phép qua biên giới. Kể từ khi bắt đầu chương trình truyền thông vào năm 2014, Chính phủ Việt Nam đã cùng các cơ quan đối tác Việt Nam đưa trở về toàn bộ 132 người Việt tìm đến Australia trái phép trên 4 chiếc thuyền.

Bài học rút ra từ 132 người bị đưa trở về Việt Nam là không có cơ hội nào cho di cư bất hợp pháp đến Australia. Chính phủ Australia mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và BĐBP Nghệ An để nâng cao nhận thức của cộng đồng về những rủi ro và hậu quả của di cư trái phép, cũng như cung cấp thông tin về các kênh di cư an toàn và hợp pháp”.

Đại tá Lê Như Cương, Chính ủy BĐBP Nghệ An cho biết: “Qua những hoạt động truyền thông, nhân dân đã được nâng cao nhận thức, sự cảnh giác về những lời dụ dỗ, hứa hẹn dối trá của những kẻ tổ chức đưa người di cư bất hợp pháp, bao gồm việc di cư bằng tàu thuyền; về những nguy hiểm, rủi ro của việc di cư trái phép mà người dân có thể phải đối mặt. Tiếp cận các thông tin chính thống về thị trường lao động nước ngoài, qua đó, người dân nghiên cứu, tùy thuộc vào trình độ, điều kiện kinh tế để lựa chọn thị trường xuất khẩu lao động phù hợp với bản thân, gia đình, đem lại nguồn thu nhập hợp pháp. Từ đó, tình trạng di cư trái phép từ Việt Nam sang Australia bằng tàu thuyền tại các địa bàn ven biển của tỉnh Nghệ An đã chấm dứt”.

Hải Thượng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/de-nguoi-dan-noi-khong-voi-xuat-canh-trai-phep/