Để người dân Đà Nẵng không còn thiếu nước sạch

6 năm chưa xong thủ tục cho một nhà máy nước, trong khi tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra trên diện rộng, được dự báo từ 10 năm trước. Đáng nói hơn, Cty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) sau khi cổ phần hóa lại vận hành kém, buộc người dân mỗi năm vẫn sống trong tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt ngay giữa mùa mưa, mà vài ngày vừa qua là một ví dụ.

Cục Quản lý Tài nguyên nước kiểm tra thực tế tại các nhà máy nước trên địa bàn TP.Đà Nẵng. Ảnh: T.T

Từ chối nguồn vốn viện trợ

Thiếu nước sạch ở Đà Nẵng không phải chuyện đến tháng 11.2018 mới có. Từ nhiều năm nay, cứ đến mùa khô, nhiều khu vực trên địa bàn thành phố lại bị thiếu nước. Cách đây nhiều năm, Đà Nẵng đã có dự báo giai đoạn 2018-2020 sẽ thiếu khoảng 80.000m3 nước mỗi ngày, kể cả ngay trong mùa mưa, chứ không chờ đến hạn.

Chính vì vậy, năm 2012, thành phố đã chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy nước Hòa Liên ở huyện Hòa Vang với công suất 120.000m3/ngày, giao cho Dawaco (lúc này đang là DN công ích 100% vốn nhà nước) làm chủ đầu tư, đồng thời vận động Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) nghiên cứu theo hình thức hợp tác công tư (PPP). Tuy nhiên, sau khi JICA báo cáo đề xuất thành lập một liên doanh các DN trong nước và Nhật Bản, trong đó có phần viện trợ không hoàn lại 40 triệu USD của Chính phủ Nhật, thì Dawaco (lúc này đã cổ phần hóa với hơn 40% vốn tư nhân) đã đề nghị chính quyền xem xét từ chối khoản viện trợ này, đồng thời nhận tự đầu tư bằng nguồn vốn trong nước. Lý do được đưa ra là mức giá sản phẩm bán ra cao hơn so với trong nước đầu tư.

Từ ý kiến của Dawaco, chính quyền thành phố đã thẳng thừng từ chối khoản viện trợ của Chính phủ Nhật, gây nhiều sóng gió trong quan hệ giữa JICA và Đà Nẵng. Theo đó dự án PPP cho Nhà máy nước Hòa Liên cũng tự tiêu vong. Trên cơ sở này, Dawaco báo cáo xin tự đầu tư dự án với tổng mức đầu tư 1.243 tỉ đồng, hoàn thành ngay trong năm 2020, với giá bán nước sinh hoạt thấp hơn của dự án PPP liên doanh với DN Nhật. Tuy nhiên, tháng 4.2018, Thường trực Thành ủy và UBND TP.Đà Nẵng có chủ trương đầu tư dự án này, không giao cho Dawaco mà sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức BOT. Nhiều nhà đầu tư đã tham gia.

Ngoài ra sau đó, một dự án nâng cấp cho hệ thống cung cấp nước do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ cũng bị Dawaco tự ý từ chối, dù rằng không thuộc phạm vi trách nhiệm của mình.

Hạ tầng có nguy cơ “vỡ trận”

Vào đầu tháng 11.2018 vừa qua, hơn 1 triệu dân Đà Nẵng lại quay quắt vì thiếu nước. Báo cáo ban đầu của Dawaco cho biết do nguồn nước thô cung cấp cho Nhà máy nước Cầu Đỏ thiếu vì Thủy điện Đắk My 4 và Sông Tranh ở thượng nguồn giữ lại. Vì vậy nước mặn xâm nhập ở mật độ không thể cung cấp cho dân. Nhưng trong thực tế không phải vậy. Trả lời báo chí, Dawaco lại cho hay 4 trong số 6 máy bơm đưa nước từ trạm Lệ Trạch về nhà máy nước bị hỏng. Và thực tế, sau kiểm tra của Cục Quản lý Tài nguyên nước, nguyên nhân lại do đường ống từ trạm An Trạch không đủ công suất cung cấp nước thô cho hai nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân Bay.

Trao đổi tại buổi làm việc với Cục Quản lý Tài nguyên nước, ông Hồ Hương - Giám đốc Dawaco - cho biết, trong những năm qua, phía cty đã nâng cấp hai Nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân Bay với công suất hiện nay đạt 280.000m3/ngày. Riêng với trạm bơm An Trạch, mặc dù trong phê duyệt của Bộ TNMT là 300.000m3/ngày nhưng đó là dự tính nâng cấp cho năm 2025.

Còn từ năm 2007 đến nay, đường ống này chỉ đạt công suất 210.000m3/ngày, thậm chí năm 2012 còn bị sạt lở, có nguy cơ vỡ đường ống. Tuy nhiên, chính đại diện Dawaco cũng thừa nhận, trong trường hợp nước tại Nhà máy nước Cầu Đỏ bị nhiễm mặn nặng, nguồn nước thô sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào trạm bơm An Trạch. Vậy tại sao Dawaco còn chần chừ chưa nâng cấp trạm bơm An Trạch mà lại đợi đến năm 2025?

Nhìn nhận những điều này, Cục Quản lý Tài nguyên nước nhận định: Giấy phép của Bộ TNMT cấp đến Luật Tài nguyên nước đã quy định rõ về vấn đề DN phải đảm bảo mọi phương án để có nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Vậy nên, trách nhiệm để thiếu nước là do DN và không thể đổ cho việc phải đợi quyết sách từ chính quyền hay chờ xin nước từ các thủy điện.

Nước sinh hoạt là nhu cầu thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe người dân, nên việc độc quyền cung ứng rất dễ dẫn đến những hiện tượng khó kiểm soát nổi, mà như vừa qua là một ví dụ. Người dân Đà Nẵng mong muốn chính quyền thành phố cần có quyết sách sớm xây dựng hạ tầng cơ sở nguồn nước, mà trong đó, cần tính toán đến việc chủ động điều phối của chính quyền, tránh lệ thuộc vào sự đỏng đảnh của thời tiết và DN.

THÙY TRANG - TRUNG HIẾU

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/de-nguoi-dan-da-nang-khong-con-thieu-nuoc-sach-642122.ldo