Để người chăn nuôi chủ động khai báo dịch bệnh

Ông Nguyễn Ngọc Sơn (Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội) cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc những con lợn chết bị chủ chăn nuôi vứt dọc đường vào bãi rác Xuân Sơn là do người chăn nuôi chưa hiểu rõ chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Mấy ngày qua, dư luận quan tâm trước thông tin phản ánh có 3 hộ chăn nuôi tại xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì đã xảy ra bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên đàn lợn và những con lợn mắc bệnh chết vứt ở địa phận xã Tản Lĩnh.

Ngày 24-12, Sở NN&PTNT Hà Nội đã có Báo cáo khẩn số 467/BC-SNN gửi UBND TP Hà Nội. Theo đó, sau khi nhận được phản ánh, ngày 23-12-2018, đoàn công tác của Cục Thú y cùng đoàn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội và UBND huyện Ba Vì, UBND xã Tản Lĩnh đã đi kiểm tra thực tế tại bãi rác Xuân Sơn và 3 hộ chăn nuôi lợn tại thôn Hiệu Lực, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì.

Kết quả kiểm tra phát hiện khoảng 5 con lợn chết được vứt cùng các bao tải rác thải tại rìa bãi rác và dọc theo trục đường giao thông bãi rác, có con đã phân hủy, thối rữa, cùng 1 con chó chết, gây ô nhiễm môi trường, phát tán mầm bệnh.

Kiểm tra tại hộ chăn nuôi của gia đình bà Hồ Thị Bảy, thôn Hiệu Lực khai báo có tổng đàn 80 con, số lợn ốm khoảng 22 con, đã chết 5 con (lợn con theo mẹ) có triệu chứng bệnh LMLM. Hộ ông Chu Văn Chung (cùng xóm) có tổng đàn lợn 54 con, số ốm mắc bệnh LMLM 5 con. Theo các chủ chăn nuôi khai báo số lợn ốm, chết trên đã gần 1 tháng nay, tuy nhiên, chủ hộ không thực hiện việc khai báo với chính quyền địa phương và cán bộ thú y nên cán bộ thú y xã chưa đến kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Ngày 25-12, UBND TP Hà Nội ban hành văn bản chỉ đạo số 6321/UBND-KT về việc tập trung chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống bệnh LMLM gia súc trên địa bàn TP.

Theo đó, UBND TP Hà Nội chỉ đạo Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, đặc biệt các địa phương đang có bệnh LMLM gia súc tổng kiểm tra tình hình dịch bệnh LMLM gia súc và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc tại địa phương; triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả ngay từ đầu, tuyệt đối không để bệnh lây lan diện rộng.

Đồng thời, khoanh vùng các ổ dịch; giám sát chặt chẽ tình hình bệnh; lập các chốt kiểm dịch động vật tại các địa phương đang có dịch; nghiêm cấm vận chyển gia súc, sản phẩm gia súc ra khỏi vùng dịch theo quy định.

Bên cạnh đó, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống, xử lý bệnh LMLM gia súc theo quy định; tổ chức thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT…

Ông Nguyễn Ngọc Sơn: “Đẩy mạnh việc tuyên truyền sẽ giúp người chăn nuôi tự biết cách phòng chống bệnh gia súc và chủ động khai báo khi có dịch”. Ảnh: V.Biên

Trao đổi với PV báo PL&XH, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội cho biết, Hà Nội đã xảy ra LMLM ở một số xã nhưng vì mức độ không quá lan rộng và không có gì mới nên theo luật thì chưa công bố dịch. Tuy nhiên, cán bộ thú y cấp xã phát hiện chậm.

Ngay sau khi biết được thông tin, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội thú y đã cho tiêu hủy toàn bộ số lợn chết, rà soát toàn bộ các khu chăn nuôi của xã Tản Lĩnh.

Đồng thời, ngay lập tức cho tiêm phòng bao vây đối với các xã đã bị LMLM xung quanh xã Tản Lĩnh, chủ động tấn công vắc-xin vào trong ổ dịch. Thực hiện tổng tẩy uế môi trường trên địa bàn toàn huyện Ba Vì, các xã có dịch cũng như không có dịch.

Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân, để người dân thực hiện tốt việc chủ động phòng tránh dịch bệnh, chủ động khai bảo dịch bệnh, tăng cường kiểm tra để chống việc bán chạy làm lây lan dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, nguyên nhân chính của vụ việc là do người chăn nuôi khi phát hiện lợn bị bệnh đã không khai báo. “Theo luật, khi phát hiện lợn bị bệnh thì hộ chăn nuôi phải khai báo nhưng các chủ chăn nuôi không khai báo. Trong trường hợp lợn chết đáng lẽ ra người chăn nuôi phải mang đi tiêu hủy thì họ lại vứt ra bãi rác, ảnh hưởng đến môi trường và mất cảnh quan”, ông Sơn cho biết.

Một nguyên nhân nữa được Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội đưa ra là thời điểm này giá lợn đang cao, hơn nữa người dân biết rằng LMLM có thể giữ lại nuôi để tự chữa được. Điều đáng bàn là nhiều người chăn nuôi chưa hiểu rõ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, TP Hà Nội nên có tâm lý sợ bị thiệt thòi khi khai báo lợn bị bệnh, dẫn đến việc cố giữ lợn bệnh và khi chết thì tự ý đem vứt.

“Khi phát hiện lợn không bình thường thì người chăn nuôi phải báo ngay cho cán bộ thú y, để đến kiểm tra và chữa trị hoặc tiêu hủy những con lợn bệnh. Khi phát hiện lợn bệnh, người chăn nuôi có khai báo, cán bộ thú y đến kiểm tra nếu đúng bệnh và tiêu hủy thì người chăn nuôi sẽ được hỗ trợ theo quy định là 38.000 đồng/kg”, ông Sơn cho hay.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn cũng cho rằng, thời gian qua, ngành thú y Hà Nội, đặc biệt là cán bộ thú y cấp xã chưa làm tốt khâu tuyên truyền cho người chăn nuôi trong việc tự phòng bệnh cho gia súc; chống bán chạy và chính sách hỗ trợ.

Văn Biên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/de-nguoi-chan-nuoi-chu-dong-khai-bao-dich-benh-132240.html