Đề Ngữ văn hay, phát huy được tính trải nghiệm của học sinh

Sáng 25/6, các thí sinh đã hoàn thành môn Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia 2019. Đề thi đảm bảo được chuẩn kiến thức và kỹ năng, chạm đến những vấn đề mang tính thời sự.

Thầy Tạ Xuân Hải, giáo viên dạy Văn trường THPT Nguyễn Khuyến (Đồng Nai) đánh giá đề không lắt léo, phần nghị luận xã hội khó lạc đề. Phần phân hóa học sinh nằm ở câu cuối (5 điểm), yêu cầu phải thấu hiểu và nhận ra cách nhìn của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường trong trích đoạn Ai đã đặt tên cho dòng sông. "Đề thi này học sinh rất khó bị điểm liệt môn Văn", thầy Hải nói.

Cô Nguyễn Thị Hương Thủy - giáo viên trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) nhận xét: Đề cấu trúc tương đương với đề minh họa. HS không bị bỡ ngỡ và có tinh thần làm bài khá thoải mái. Đề đã đảm bảo được chuẩn kiến thức và kỹ năng, chạm đến những vấn đề mang tính thời sự và có thể phát huy được những trải nghiệm của HS THPT. HS có thể làm bài không chỉ bằng kiến thức ở nhà trường, mà còn bằng những suy nghĩ, trải nghiệm của cá nhân.

Thí sinh tại điểm thi trường THPT Chu Văn An (Hà Nội)

Thí sinh tại điểm thi trường THPT Chu Văn An (Hà Nội)

Với những HS có lực học trung bình, có thể giải quyết được đề bài ở mức độ 50- 60%. Còn với HS giỏi, có năng lực, biết suy tư, trăn trở, có thể phát huy được sở trường của mình khi cảm nhận được nội dung sâu xa của đề.

Cả hai phần đọc hiểu và làm văn đều là những vấn đề quen thuộc, đã được trình bày bởi những con người ở thế hệ trước (Vũ Quần Phương, Hoàng Phủ Ngọc Tường... những người ở thế hệ nguyện “hóa thân cho dáng hình xứ sở”); những HS thuộc thế hệ ngày hôm nay khi làm bài có thể đối thoại được với thế hệ đi trước, thế hệ cha anh, để vừa thể hiện được sự suy tư khi kế thừa thành quả, vừa thể hiện được sự tiếp nối của thế hệ trẻ hôm nay.

Thí sinh Mai Việt Thắng (điểm thi THPT Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) cho biết, cấu trúc đề thi Ngữ văn vẫn như mọi năm và giống với các đề thi thử mà học sinh đã được làm trong thời gian qua. Năm nay, phần Nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh trình bày về ý chí và nghị lực chinh phục dựa theo bài thơ trích dẫn.

Thí sinh Nguyễn Thị Thùy Trang - Trường THPT Phan Bội Châu chia sẻ: “Em thấy đề cơ bản không khó. Với học sinh ban A như chúng em cũng có thể làm được từ 6-7 điểm, đủ để xét tốt nghiệp. Phần câu hỏi về nghị luận xã hội bàn về sức mạnh của ý chí khá sát với thực tế, em thấy đây là một câu hỏi khá hay. Trong cuộc sống, ý chí là sức mạnh để mỗi người vượt lên hoàn cảnh, hoàn thành ước mơ hoài bão của mình”.

Chiều nay, các thí sinh sẽ làm bài thi môn Toán trong thời gian 90 phút.

Chi tiết đề thi Ngữ văn THPT Quốc gia 2019:

KỲ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA NĂM 2019

Bài thi: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

I. ĐỌC HIỂU(3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Biết nói gì trước biển em ơi
Trước cái xa xanh thanh khiết không lời
Cái hào hiệp ngang tàng của gió
Cái kiên nhẫn nghìn đời sóng vỗ
Cái nghiêm trang của đá đứng chen trời
Cái giản đơn sâu sắc như đời

Chân trời kia biển mãi gọi người đi
Bao khát vọng nửa chừng tan giữa sóng
Vầng trán mặn giọt mồ hôi cay đắng
Bao kiếp vùi trong đáy lạnh mù tăm
Nhưng muôn đời vẫn những cánh buồm căng
Bay trên biển như bồ câu trên đất
Biển dư sức và người không biết mệt
Mũi thuyền lao mặt sóng lại cày bừa
Những chân trời ta vẫn mãi tìm đi

(Trước biển – Vũ Quần Phương, Thơ Việt Nam 1945-1985, NXB Văn học, 1985, tr.391)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2: Anh/ Chị hiểu nội dung các dòng thơ sau như thế nào?

Vầng trán mặn giọt mồ hôi cay đắng

Bao kiếp vùi trong đáy lạnh mù tăm

Câu 3. Hãy cho biết hiệu quả của phép điệp trong các dòng thơ sau:

Cái hào hiệp ngang tàng của gió

Cái kiên nhẫn nghìn đời sóng vỗ

Cái nghiêm trang của đá đứng chen trời

Cái giản đơn sâu sắc như đời

Câu 4. Hành trình theo đuổi khát vọng của con người được thể hiện trong đoạn trích gợi cho anh/chị suy nghĩ gì?

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1(2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống.

Câu 2 (5,0 điểm)

Trong những dòng sông đẹp ở các nước mà tôi thường nghe nói đến, hình như chỉ sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất. Trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm, nó đã là một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng. Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại. Rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng. Nhưng chính rừng già nơi đây, với cấu trúc đặc biệt có thể lí giải được về mặt khoa học, đã chế ngự sức mạnh bản năng ở người con gái của mình để khi ra khỏi rừng, sông Hương nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở. Nếu chỉ mải mê nhìn ngắm khuôn mặt kinh thành của nó, tôi nghĩ rằng người ta sẽ không hiểu một cách đầy đủ bản chất của sông Hương với cuộc hành trình gian truân mà nó đã vượt qua, không hiểu thấu phần tâm hồn sâu thẳm của nó mà dòng sông hình như không muốn bộc lộ, đã đóng kín lại ở cửa rừng và ném chìa khóa trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng.

(Ai đã đặt tên cho dòng sông? – Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, tr.198)

Cảm nhận của anh/ chị về hình tượng sông Hương trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

G.M (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/de-ngu-van-hay-phat-huy-duoc-tinh-trai-nghiem-cua-hoc-sinh-540875.html