Để ngư dân hiểu sâu về pháp luật

Cả nước hiện có hơn 128.000 tàu cá với hơn 1 triệu lao động trên biển. Đây không chỉ là lực lượng tích cực trong việc phát triển kinh tế biển, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Tuy nhiên, nhận thức của một bộ phận ngư dân về pháp luật còn hạn chế; chưa tuân thủ các quy định của pháp luật trong quá trình khai thác hải sản. Tình trạng ngư dân khai thác hải sản theo kiểu tận diệt trên một số vùng biển vẫn xảy ra...

Nhận thức rõ ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho ngư dân, những năm qua, công tác PBGDPL trên địa bàn các tỉnh ven biển luôn được thủ trưởng Bộ tư lệnh Cảnh sát biển quan tâm, chú trọng triển khai rộng khắp. Các cơ quan, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tổ chức hàng nghìn đợt tuyên truyền, phát hàng trăm nghìn tờ rơi các loại cho ngư dân các địa phương ven biển và hải đảo với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Nổi bật là chương trình "Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân”. Đây là mô hình công tác dân vận mới, gắn liền với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng. Chương trình gồm nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực, như tổ chức giao lưu văn nghệ, tuyên truyền về biển đảo và công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên biển cho ngư dân; ký kết quy chế phối hợp với các địa phương ven biển, tặng quà, khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho ngư dân. Qua đó, đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm cho ngư dân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tuy nhiên, công tác PBGDPL hiệu quả vẫn chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu những kiến thức cơ bản về pháp luật cho ngư dân hoạt động trên biển. Nguyên nhân một phần do môi trường làm việc của ngư dân cực kỳ khắc nghiệt và nguy hiểm, sau những chuyến đi họ chỉ muốn xả hơi, nên việc tiếp cận để giáo dục pháp luật là hết sức khó khăn. Số lượng tàu cá lớn, hoạt động trên vùng biển rộng, nhiều đảo phân tán xa bờ, trong khi đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên còn mỏng. Công tác quản lý của chính quyền một số địa phương và các cơ quan chức năng hiệu quả chưa cao; chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Mặt khác, hình thức tuyên truyền chưa được đổi mới, báo cáo viên, tuyên truyền viên chưa thoát ra được tình trạng “đọc văn bản”, còn cứng nhắc trong việc trình bày các quy định pháp luật, thiếu sự mềm dẻo, linh hoạt, chưa trình bày được những vấn đề người nghe cần, nên ít gây được sự chú ý.

Theo Thiếu tá Đoàn Văn Dũng, cán bộ Cục Nghiệp vụ và Pháp luật Cảnh sát biển: “Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL cho ngư dân, các cơ quan, đơn vị cần chủ động, sáng tạo lựa chọn những văn bản pháp luật phù hợp với tình hình địa phương và từng nhóm đối tượng”.

Các đơn vị Cảnh sát biển đã tập trung tuyên truyền sâu rộng những nội dung như: Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, Luật Biển Việt Nam, Luật Biển quốc tế, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về biển đảo, các hiệp định đã ký kết về phân định ranh giới trên biển giữa nước ta với các nước có liên quan, các quy định về khai thác, đánh bắt hải sản, chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm. Đặc biệt là tuyên truyền cho ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép. Để làm được điều đó, các đơn vị đã tăng cường tuần tra, kiểm soát kết hợp với tuyên truyền cho ngư dân hoạt động trên biển về chấp hành pháp luật, đồng thời vận động ngư dân lắp đặt thiết bị quan sát, định vị bằng hệ thống vệ tinh để kịp thời điều chỉnh các hoạt động trên biển khi cần thiết.

MINH CHÂU

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/chinh-sach/de-ngu-dan-hieu-sau-ve-phap-luat-553636