Đề nghị xử nghiêm một chủ tài khoản facebook phát tán thông tin thất thiệt liên quan đến sán lợn

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế) nói 'không bao biện thông tin' nhưng cũng không cho phép những đối tượng này làm hoang mang cộng đồng.

Chiều 19/3, đồng chủ trì cuộc họp báo về vụ hàng trăm trẻ mầm non Bắc Ninh dương tính sán lợn, người đứng đầu Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định tuyệt đối không được bao biện thông tin. Nếu đó là vấn đề của cộng đồng thì các cơ quan chức năng, các ngành hữu quan, trong đó có ngành y tế phải quyết liệt giải quyết, nhưng không được đưa tin không chính xác gây hoang mang dư luận.

Người dân Thuận Thành, Bắc Ninh đội mưa đưa con em đi xét nghiệm sán lợn miễn phí tại trường mầm non.

Người dân Thuận Thành, Bắc Ninh đội mưa đưa con em đi xét nghiệm sán lợn miễn phí tại trường mầm non.

Cầm trên tay báo cáo của Công an huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) với nội dung chủ tài khoản "Côngnông Đâùdọc" tự ý phát tán và đưa thông tin thất thiệt về bệnh sán này, ông Phong nói: “Chúng tôi cũng kiến nghị báo cáo Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin - Truyền thông đề nghị xử lý nghiêm".

Đã có chính thức 186 trẻ dương tính với sán lợn, trên tổng số hơn 1.700 ca được lấy mẫu, tỉ lệ là 11,9% - mức khá cao so với trung bình 55 tỉnh, thành có sán trên cả nước.

PGS Phong khẳng định, nhà chức trách, các bên hữu quan không bao biện thông tin nhưng cũng không cho phép những đối tượng này làm hoang mang cộng đồng. "Tội này đã được pháp luật quy định" - ông Phong nói.

Khi phát ngôn, ông Phong cho rằng, phải có bằng chứng thực tiễn, khoa học, đặt mình vào bối cảnh của người dân. "Chúng ta thông cảm, chia sẻ lo lắng chính đáng của người dân nhưng về phía chúng ta phải kịp thời, không bao biện, phát ngôn phải có cơ sở, khoa học”. Bởi nếu không thống nhất, kịp thời thì dân hoang mang là việc dễ hiểu, chưa kể việc có thông tin gây nhiễu.

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế)

"Tôi có con, không có chuyên môn và trong điều kiện như vậy thì cũng rất lo và làm như người dân"

Ông Nguyễn Thanh Phong khẳng định, truyền thông sự việc sán lợn ở Bắc Ninh "chưa được làm tốt", đặc biệt là việc cung cấp thông tin không thống nhất, ai cũng nói được, "phải nhìn thẳng vấn đề như thế". "Rất tiếc khi thông tin xảy ra, chưa kịp thời cung cấp" - ông Phong đánh giá.

Do đó, việc người dân lo lắng trước thông tin thực phẩm không bảo đảm ở trường Thanh Khương, sau đó tự nguyện đưa con cháu đi xét nghiệm ở các cơ sở y tế "là hết sức chính đáng".

"Tôi có con, không có chuyên môn và trong điều kiện như vậy thì cũng rất lo và làm như người dân", ông Phong chia sẻ.

Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm đánh giá Bắc Ninh đã xử lý nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ Y tế khi Bộ có thông tin và chỉ đạo quyết liệt kịp thời, vì tỉnh này đã cho kiểm tra ngay sau khi nhận được thông tin về thực phẩm không đảm bảo ở trường mầm non Thanh Khương và đình chỉ công tác các tổ chức, cá nhân liên quan.

Việc vi phạm an toàn thực phẩm ở trường Thanh Khương có liên quan gì đến việc các cháu đồng loạt đi xét nghiệm sán và một số cháu có kết quả có dương tính hay không, ông Phong cho rằng chưa có cơ sở khẳng định.

Thứ nhất, các mẫu không được lưu vì lâu rồi, kể cả trong đó có ấu trùng sán, trứng sán nhưng thực hiện ăn chín, uống chín thì nguy cơ lây bệnh là không có. Khoa học đã chứng minh, thực phẩm đun sôi 75-80 độ thì "bất hoạt"

Thứ hai, nguồn lây nhiễm sán có từ đâu? Ngoài thực phẩm ăn uống trực tiếp, con người cũng có thể nhiễm sán qua thịt cá, rau sống, môi trường nước không bảo đảm vệ sinh, không rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh rồi lại ăn uống... cũng có sán, giun, có thể lây nhiễm. Phải phân biệt rất rõ điều này.

"Phải khẳng định rõ ràng rằng không chỉ thực phẩm ăn ở trường mà còn nhiều con đường, nguồn dẫn đến nhiễm sán nếu như không bảo đảm vệ sinh", ông Phong nhấn mạnh.

Cùng đó, ông Phong cho rằng không chỉ trẻ mầm non, cháu nhỏ Thuận Thành dương tính với sán, mà ở vùng khác, hay chính ở người lớn cũng có thể có sán, giun, ký sinh trùng đường ruột.

"Không cẩn thận tôi xét nghiệm cũng có sán" - ông Phong chia sẻ.

Báo cáo của Công an huyện Thuận Thành nêu rõ, đơn vị này phát hiện trên mạng xã hội Facebook tài khoản “Côngnông Đâùdọc” có đăng tải thông tin sai sự thật về việc thịt lợn nhiễm sán tại trường mầm non xã Ngũ Thái, Thuận Thành, Bắc Ninh.

Công an xác định được chủ tài khoản Facebook nêu trên là Nguyễn Bá Mạnh (SN 18/8/1987 ở thôn Cửu Yên, Ngũ Thái, Thuận Thành, Bắc Ninh). Người này đã thừa nhận đăng tải thông tin sai sự thật lên mạng xã hội Facebook.

Nguyên nhân là do, con trai của Nguyễn Bá Mạnh (SN 2013) đang theo học tại trường mầm non xã Ngũ Thái có kết quả xét nghiệm dương tính với sán lợn. Vì bức xúc, Mạnh đã tải hai bức ảnh hình thịt lợn nhiễm sán trên mạng internet rồi đăng tải lên Facebook “Côngnông Đâùdọc” kèm theo dòng trạng thái cảnh báo các bậc phụ huynh xã Ngũ Thái, cho rằng “xã mình cũng nhận thịt nhiễm sán. Họ đe dọa nhà bếp không được nói ra…”.

Võ Thu

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/de-nghi-xu-nghiem-mot-chu-tai-khoan-facebook-phat-tan-thong-tin-that-thiet-lien-quan-den-san-lon-20190319163840443.htm