Đề nghị xử lý hình sự tranh giả: Ước mơ có chỉ là ước mơ?

Trong khi nhiều họa sĩ trong giới Mỹ thuật kiên quyết đề nghị xử lý hình sự đối với hành vi làm tranh giả và tranh mạo danh thì cũng có nhiều họa sĩ tỏ ra băn khoăn về ai, đơn vị nào sẽ cầm chịch được việc giám định tranh thật, tranh giả, tranh mạo danh?

Đề nghị xử lý hình sự

Cách đây 1 năm, Triển lãm “Những bức tranh từ Châu Âu trở về”, của nhà sưu tập Vũ Xuân Chung, vừa mới được trưng bày chính thức ngày 10/7/2016 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, lập tức gây xôn xao trong giới Mỹ thuật Việt Nam. Các chuyên gia thẩm định vào cuộc đã phát hiện ra 15/17 bức là hàng nhái, 2 bức bị mạo danh, trong đó có bức tranh của họa sĩ Thành Chương bị mạo danh thành tranh “Trừu tượng” của họa sĩ Tạ Tỵ.

Bức tranh của Thành Chương bị làm giả thành tranh “Trừu tượng” của Tạ Tỵ

Thực tế hiện nay trên thị trường Mỹ thuật, tranh của các danh họa Việt Nam thời trường Mỹ thuật Đông Dương bị làm giả nhiều nhất. Đó là các bức tranh của danh họa Tô Ngọc Vân, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái…

Các họa sĩ đương đại thời gian qua cũng lần lượt lên tiếng vì phát hiện tranh mình bị nhái như Đặng Xuân Hòa, Trần Lưu Hậu. Gần đây nhất, ngày 9/8/2017, họa sĩ Phạm An Hải phát hiện ra bức tranh “Dư âm phố cổ” của anh bị làm giả trên thị trường. Trong khi bức tranh gốc (khổ 60x100cm, vẽ năm 2016, trị giá khoảng 6.000 USD) hiện vẫn đang nằm trong nhà họa sĩ. Trước đó, họa sĩ Phạm An Hải cũng từng phát hiện ra nhiều tác phẩm của mình bị làm giả. Vì vậy, ông Hải kiến nghị: “Pháp luật cần vào cuộc, xử lý mạnh sự việc này vì đây là hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Muốn xử lý được đến tận cùng vấn nạn tranh giả cần có pháp chế khác mạnh mẽ hơn”.

Cùng chung quan điểm trên, họa sĩ Nguyễn Đình Hợp và họa sĩ Bùi Trọng Dư cũng đề xuất cần hình sự hóa việc làm tranh giả, tranh mạo danh. Theo ông Hợp, chế tài xử lý tranh giả của pháp luật hiện nay còn quá yếu, vì thế cần xử lý chế tài thật nặng vụ làm tranh giả, tranh mạo danh, thậm chí cần bắt bỏ tù những người làm tranh giả, tranh mạo danh mới hi vọng hạn chế được các vấn nạn này.

Đồng thuận với họa sĩ Nguyễn Đình Hợp, họa sĩ Bùi Trọng Dư coi việc xử phạt hành chính làm tranh giả chỉ như bắt cóc bỏ đĩa. Ông đề xuất việc tổ chức và buôn bán tranh mạo danh cần phải truy tố trước pháp luật.

Liệu ước mơ có chỉ là ước mơ?

“Nếu thực hiện được việc hình sự hóa tranh giả là điều đáng mừng cho chúng ta”, đó cũng là mong muốn của nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi (Paris – Pháp).

Song trước thực trạng tranh giả, tranh mạo danh thao túng thị trường Mỹ thuật, mà một thực tế là tranh giả đã có từ thời kỳ đầu thành lập Viện Mỹ thuật và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Sinh thời khi họa sĩ Nguyễn Phan Chánh còn tại thế, có người đưa bức tranh sao chép đến nhờ thẩm định, cụ Nguyễn Phan Chánh còn cả quyết đó là tranh của mình vẽ. “Vấn đề là ai có thẩm quyền thẩm định tranh”, ông Khôi nêu câu hỏi.

Chính vì các bức tranh giả tồn tại song song đương thời với tranh thật mà chính người vẽ ra chúng còn không phân biệt được nên theo ông Ngô Kim Khôi, ông Jean François Hubert dựa vào yếu tố này tung hoành làm mưa làm gió trên thị trường tranh giả từ đó đến giờ.

Để xử lý vấn đề tranh giả, ông Khôi đặt vấn đề: “Một số tranh "không thể phân biệt thật giả", nghĩa là không có bằng chứng, làm từ thời thành lập Viện Mỹ thuật và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tạm cho đó là tranh "chấp nhận được". Còn những tranh giả dối "không thể chấp nhận được" thì đưa ra Hội đồng giám định, để việc hình sự hóa được thì hành”.

Tuy nhiên, ông Khôi cũng cảnh báo điều này sẽ gây nhiều tranh cãi và sẽ có những trường hợp cãi chầy cãi cối.

Còn họa sĩ Nguyễn Đức Hòa thẳng thắn giãi bày việc đề nghị hình sự hóa việc làm tranh giả, tranh mạo danh của giới Mỹ thuật: “Ở Việt Nam thì đề nghị ấy vô ích”. Theo ông Hòa, ai sẽ đứng ra để thành lập Hội đồng giám định tranh thật, tranh giả, tranh mạo danh? Hội đồng ấy có đủ trình độ không?

Ông Nguyễn Đức Hòa chia sẻ thêm: Năm 2006 Bộ VH-TT&DL đã ra quyết định thành lập Trung tâm Giám định tác phẩm Mỹ thuật. Sau 3 năm thành lập mà Trung tâm vẫn không thể hoạt động được. Để tìm ra lối thoát, Giám đốc tạm quyền của Trung tâm Giám định tác phẩm Mỹ thuật đã tổ chức một cuộc Hội thảo vào năm 2009. Hội thảo đã có một số tham luận. Vậy mà, cho đến nay, gần một thập kỷ trôi qua, vẫn chưa thành lập được Trung tâm đó.

Còn họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan cho rằng mỗi tác giả phải tự cứu mình. Đó là khi phát hiện ra tranh bị làm giả hoặc bị mạo danh đầu tiên họa sĩ phải đưa ra được bằng chứng là bức tranh gốc của mình lưu giữ, nếu đã bán tranh thì phải có ảnh chụp lưu lại để so sánh với bức tranh giả, rồi công bố ngay trên các phương tiện truyền thông. Sau đó, tự bản thân mỗi tác giả bị làm giả tranh hoặc bị mạo danh cần làm đơn tố cáo gửi các Bộ, ngành liên quan như Cục Bản quyền tác giả, Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL), Cục An ninh Văn hóa (Bộ Công an).

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL) chia sẻ với báo chí: Nếu phát hiện ra tranh giả, tranh mạo danh thì họa sĩ hoặc chủ sở hữu tác phẩm gốc cần báo với thanh tra văn hóa, công an phường, quản lý thị trường… để giữ nguyên tang chứng, và có thể xử lý theo Nghị định 158 của Chính phủ tùy theo mức độ vi phạm.

MAI XUÂN

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/de-nghi-xu-ly-hinh-su-tranh-gia-uoc-mo-co-chi-la-uoc-mo-post200571.html