Đề nghị xem xét tư cách luật sư đối với ông Nguyễn Hữu Linh

Cơ quan CSĐT Công an quận 4 (TP.HCM) đã có văn bản chính thức đề nghị Đoàn luật sư TP.Đà Nẵng xem xét tư cách luật sư đối với ông Nguyễn Hữu Linh. Trên cơ sở văn bản đề nghị này, sắp tới Đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng sẽ tổ chức họp kỷ luật tư cách thành viên đối với ông Linh.

Ngày 29/4, Văn phòng Đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng cho biết, đã nhận được thông báo từ cơ quan CSĐT Công an quận 4 (TP.HCM) đề nghị đoàn luật sư có hình thức xử lý kỷ luật đối với ông Nguyễn Hữu Linh (SN 1958, trú phường Thạch Thang, quận Hải Châu, Đà Nẵng) bị công an quận 4 khởi tố về hành vi “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” theo Bộ luật Hình sự.

Sau khi nghỉ hưu vào giữa năm 2018, ông Nguyễn Hữu Linh đã được cấp thẻ hành nghề luật sư và là thành viên của Đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng cách đây khoảng hơn 3 tháng.

Nhận được văn bản, Đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng sẽ tổ chức họp kỷ luật tư cách thành viên đối với ông Linh. Theo quy định, nếu người hành nghề luật sư có hành vi vi phạm hình sự đã được cơ quan công an xác định thì Hội đồng Khen thưởng, kỷ luật của Đoàn Luật sư tỉnh, thành sẽ họp tiến hành xem xét. Mức cao nhất là khai trừ người đó ra khỏi đoàn và thu hồi thẻ luật sư. Sau đó, Đoàn Luật sư tỉnh, thành nơi có luật sư bị khởi tố và sẽ gửi văn bản đến Bộ Tư pháp đề nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư của người đó.

Về vấn đề xử lý vi phạm của luật sư, luật sư Lê Cao - Công ty Luật FDVN (thuộc đoàn luật sư Đà Nẵng) cho biết, quy định của Luật luật sư, Điều 40 Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam thì trường hợp một luật sư mà đã có bản án bằng một bản án hình sự đã có hiệu lực thì đương nhiên bị xóa tên khỏi đoàn luật sư, thu hồi thẻ luật sư.

Còn đối với trường hợp khác, dù chưa bị kết án nhưng theo Điều 85 của Luật luật sư, khi luật sư vi phạm quy định của Luật luật sư, chẳng hạn không đủ tiêu chuẩn về phẩm chất người luật sư theo Điều 10 của Luật luật sư, vi phạm Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam và các quy định khác của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau đây: Khiển trách; Cảnh cáo; Tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn luật sư từ sáu tháng đến hai mươi bốn tháng; xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư.

Như vậy, vấn đề kỷ luật một luật sư khi luật sư này bị khởi tố được thuộc thẩm quyền của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư theo đề nghị của Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn luật sư. Trong trường hợp luật sư bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư thì Đoàn luật sư phải thông báo bằng văn bản với Sở Tư pháp và đề nghị Bộ Tư pháp thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư, đề nghị Liên đoàn luật sư Việt Nam thu hồi Thẻ luật sư.

“Theo chúng tôi, vấn đề xem xét kỷ luật đối với luật sư trong trường hợp như thế này thuộc về đánh giá, nhận định về tính chất, mức độ vi phạm của người luật sư liên quan đến điều kiện, tiêu chuẩn của một luật sư. Đây là trường hợp không phải là đương nhiên bị thu hồi thẻ mà do đánh giá nhận định của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư và điều này cần sự tham mưu, đánh giá khách quan cũng như đầy trách nhiệm của Hội đồng khen thưởng kỷ luật của Đoàn luật sư. Do đó, vấn đề kỷ luật hay chưa kỷ luật là nằm trong thẩm quyền của Đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng xem xem, quyết định dựa trên các quy định của Luật luật sư, Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam và các quy định nội bộ của Đoàn luật sư Việt Nam”, luật sư Lê Cao phân tích.

Xuân Nha

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cong-to-kiem-sat-tu-phap/theo-dong/de-nghi-xem-xet-tu-cach-luat-su-doi-voi-ong-nguyen-huu-linh-68909.html