Đề nghị xem lại việc 'phạm nhân kêu oan không được xét đặc xá'

Ủy ban TVQH đề nghị Bộ Công an xem xét lại quy định 'phạm nhân viết đơn kêu oan không được xét đặc xá'.

Các ĐBQH bấm nút biểu quyết thông qua Luật

Các ĐBQH bấm nút biểu quyết thông qua Luật

Chiều nay (19/11), với 92,99% tổng số ĐBQH biểu quyết tán thành, Quốc hội chính thức thông qua dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Luật bổ sung không đề nghị đặc xá đối với người phạm tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nhà nước, tội chống phá cơ sở giam giữ.

Đồng thời, căn cứ vào tình hình cụ thể trong mỗi đợt đặc xá, Luật giao cho Chủ tịch nước quyết định không đặc xá đối với các trường hợp khác.

Có ý kiến nêu thời gian qua có phạm nhân chấp hành án nghiêm túc, có ý thức chấp hành tốt nội quy của trại giam nhưng do vẫn viết đơn kêu oan nên không được xác nhận là có ý thức cải tạo tốt để được xét đặc xá, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu quan điểm của Ủy ban TVQH cho biết,Luật Đặc xá hiện hành cũng như dự thảo Luật không quy định nội dung này. Tuy nhiên, Thông tư số 06/2018/TT-BCA ngày 12/2/2018 của Bộ Công an hướng dẫn một trong những tiêu chuẩn để được xếp loại cải tạo khá hoặc tốt là “phải nhận rõ tội lỗi, ăn năn hối cải…”.

Vì thế, thực tế quá trình chấp hành hình phạt tù, có những phạm nhân đáp ứng đầy đủ các điều kiện luật định nhưng do họ liên tục kêu oan nên không đạt tiêu chuẩn thi đua nêu trên và không được đề nghị đặc xá. “Tiếp thu ý kiến ĐBQH, để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án phạt tù, thực hiện đúng chính sách của Nhà nước về đặc xá, Ủy ban TVQH đề nghị Bộ Công an sớm rà soát, xem xét lại quy định này” – bà Nga nói.

Liên quan đến điều kiện đặc xá, Luật quy định trường hợp Chủ tịch nước quyết định thời gian đã chấp hành án phạt tù ngắn hơn so với thời gian quy định khi thuộc một trong các trường hợp như: Người đang mắc bệnh hiểm nghèo; người đang ốm đau thường xuyên mà không tự phục vụ bản thân có kết luận của Hội đồng giám định y khoa, Bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên; Người từ đủ 70 tuổi trở lên; Phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi đang ở với mẹ trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; Có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và bản thân là lao động duy nhất trong gia đình, có xác nhận của UBND cấp xã nơi gia đình người đó cư trú...

Một điểm đáng chú ý nữa là việc Luật quy định trường hợp được đề nghị đặc xá dù mới chỉ thi hành được một phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác nhưng do lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn thuộc trường hợp chưa có điều kiện thi hành tiếp phần còn lại theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự đối với người bị kết án phạt tù.

Trường hợp phải thi hành nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác đối với tài sản không thuộc sở hữu của Nhà nước thì phải được người được thi hành án đồng ý hoãn thi hành án hoặc không yêu cầu thi hành án đối với tài sản này.

Luật Đặc xá (sửa đổi) gồm 6 chương, 39 điều. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/72019.

Anh Thư

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/de-nghi-xem-lai-viec-pham-nhan-keu-oan-khong-duoc-xet-dac-xa-d279394.html