Đề nghị WEF giúp Việt Nam tiếp cận với các công nghệ giảng dạy mới

Sáng 16/11, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc tiếp và làm việc với ông Justin Wood- Giám đốc khu vực châu Á- Thái Bình Dương của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF)

Tại buổi tiếp, ông Justin Wood đã thông báo với Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc về việc Chính phủ Việt Nam và WEF đã ký Thỏa thuận hợp tác trong khuôn khổ Phiên họp thường niên của WEF tại Davos (Thụy Sỹ) vào tháng 1/2017.

Thỏa thuận hợp tác có hiệu lực tới tháng 1/2019. Mục đích của Thỏa thuận là sử dụng các nguồn lực của WEF để giúp Việt Nam định hướng trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

Thỏa thuận hợp tác tập trung đặc biệt vào Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

Kết quả của sự hợp tác sẽ cho ra đời một bản báo cáo về “Việt Nam trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư” sẽ được Diễn đàn công bố và chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu và báo giới tại Phiên họp thường niên của Diễn đàn ở Davos năm 2019.

Có sáu trụ cột liên quan trực tiếp tới Việt Nam. Các nhóm công tác cụ thể của WEF trong các lĩnh vực này sẽ theo dõi và thực hiện các hợp tác sâu hơn tại Việt Nam. Tùy thuộc vào phản hồi của Chính phủ Việt Nam, WEF có thể bổ sung thêm vào Kế hoạch một số mảng việc khác tại Diễn đàn.

Một trong sáu trụ cột của WEF liên quan trực tiếp tới Việt Nam là trụ cột số 6 “Tương lai của giáo dục, giới tính và việc làm”. Nhóm của WEF về tương lai giáo dục, giới và nghề nghiệp có thể đóng góp cho sự phát triển của lực lượng lao động Việt Nam.

Ông Justin Wood cũng cho biết trong các ngày từ 15-17/11/2017 dưới sự chủ trì của các bộ, ngành Việt Nam và sự hỗ trợ của WEF hai hội thảo về cơ sở hạ tầng và tăng cường năng lực cạnh tranh sẽ được tổ chức tại Hà Nội.

Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc bày tỏ sự cảm ơn và đánh giá cao sự hợp tác của WEF với Việt Nam trong việc giúp Việt Nam định hướng sự phát triển bền vững trong tương lai thông qua việc ký kết Thỏa thuận hợp tác, cũng như việc WEF coi Giáo dục là trụ cột thứ 6 của Thỏa thuận hợp tác này.

Việt Nam mong muốn thời gian tới WEF hỗ trợ tăng cường phát triển cho giáo dục nói chung, định hướng nghề nghiệp trong giáo dục đại học, mối quan hệ doanh nghiệp và trường đại học dưới ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ trưởng cũng mong muốn WEF sẽ giúp Việt Nam tiếp cận với các công nghệ giảng dạy mới, tư duy quan trị đại học tiên tiến.

Đặc biệt, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đánh giá cao tư tưởng của Học tập suốt đời và đề nghị WEF có thể chia sẻ những kinh nghiệm của thế giới với Việt Nam về chủ đề này.

Thứ trưởng cho rằng Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm mới và cũng làm thay đổi tính chất, cơ cấu các việc làm truyền thống đòi hỏi mỗi người phải tự học, học tập suốt đời và tự hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp của mình mới có thể đáp ứng thực tiễn.

Lan Anh

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/de-nghi-wef-giup-viet-nam-tiep-can-voi-cac-cong-nghe-giang-day-moi-3906611-v.html