Đề nghị ưu tiên vật liệu làm cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Bộ Giao thông vận tải đề nghị tỉnh Đồng Nai ưu tiên đẩy nhanh thủ tục đảm bảo cung cấp vật liệu xây dựng để bảo đảm cung cấp cho dự án đường cao tốc Phan Thiết Dầu Giây.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản đề nghị lãnh đạo tỉnh Đồng Nai ưu tiên các thủ tục cấp phép, bảo đảm cung cấp vật liệu thi công, nhằm khắc phục tình trạng đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây bị thiếu đất san lấp, ảnh hưởng đến tiến độ đề ra.

Theo Bộ GTVT, dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 là dự án quan trọng quốc gia, phải hoàn thành vào năm 2022. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng và khả năng cung ứng vật liệu xây dựng là điều kiện rất quan trọng để đảm bảo tiến độ dự án.

Để công trình hoàn thành đúng tiến độ, việc thi công đắp nền đường phải cơ bản hoàn thành trước mùa khô 2021. Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị lãnh đạo tỉnh Đồng Nai quan tâm, chỉ đạo các cơ quan liên quan, địa phương khẩn trương thực hiện một số nội dung.

Cụ thể, đề nghị tỉnh Đồng Nai ưu tiên tạo mọi điều kiện thuận lợi đẩy nhanh thủ tục đảm bảo cung cấp vật liệu xây dựng (cấp phép, gia hạn, nâng công suất mỏ…), bảo đảm cung cấp vật liệu thi công, tránh ảnh hưởng tiến độ dự án. Đồng thời, khẩn trương giải phóng mặt bằng phạm vi còn lại khoảng 2% và các công trình hạ tầng kỹ thuật, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu đúng tiến độ.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đang gặp khó vì thiếu vật liệu thi công và tiến độ bàn giao mặt bằng. Ảnh: VH.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đang gặp khó vì thiếu vật liệu thi công và tiến độ bàn giao mặt bằng. Ảnh: VH.

Liên quan vấn đề này, ngày 8-3, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đã có văn bản gửi Thủ tướng kiến nghị đơn giản hóa thủ tục cấp phép hoạt động khai thác vật liệu san lấp phục vụ các công tình trọng điểm trên địa bàn.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, hiện địa phương đang triển khai nhiều dự án giao thông quan trọng nên nhu cầu về nguồn đá xây dựng, vật liệu san lấp rất lớn. Trong đó, việc cấp phép các mỏ đá cơ bản đã đáp ứng đủ nhu cầu. Riêng đối với đất làm vật liệu san lấp chưa đảm bảo đủ khối lượng. Nguyên nhân là do các khu đất làm vật liệu san lấp có diện tích không lớn, chiều dày tầng đất dao động 3-10 m, tuổi thọ mỏ thường theo tiến độ dự án (dưới 5 năm).

Trong khi đó, các bước để hoàn thiện hồ sơ cấp giấy phép khai thác vật liệu san lấp mất rất nhiều thời gian, thủ tục phức tạp… dẫn đến việc các nhà đầu tư không hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp.

Để đảm bảo đủ nguồn vật liệu san lấp phục vụ các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng xem xét chỉ đạo thực hiện quy trình cho phép khai thác vật liệu san lấp theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính.

VŨ HỘI

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/de-nghi-uu-tien-vat-lieu-lam-cao-toc-phan-thiet-dau-giay-975352.html