Đề nghị Thủ tướng sớm đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ chính thứ hai | Giới trẻ

Tại Diễn dàn Thanh niên khởi nghiệp 2018 với chủ đề 'Tìm giải pháp đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam', Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Thủ tướng sớm tuyên bố tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức thứ hai của Việt Nam, giúp giải quyết điểm nghẽn tiếng Anh trong giới trẻ Việt…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các bộ trưởng tại Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp 2018 - Ảnh: ẢNH: HUY ĐẠT

Tại Diễn dàn Thanh niên khởi nghiệp 2018 với chủ đề “Tìm giải pháp đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam” vừa được tổ chức tại Đà Nẵng, 29.11, các bộ trưởng Bộ KH-CN, Bộ GD-ĐT và Bộ TT-TT đã đề xuất chính phủ nhiều giải pháp phát triển nhân lực, đề xuất chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.

Diễn đàn thu hút sự tham gia của gần 400 đại biểu là thanh niên, sinh viên, doanh nhân trẻ, thành viên các câu lạc bộ khởi nghiệp, các chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp để cùng đưa ra đề xuất, sáng kiến, giải pháp, đóng góp cho sự phát triển của Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển của đất nước. Thủ tướng đã thay mặt chính phủ đánh giá cao, ghi nhận những ý kiến xác đáng của các startup cũng như các nhà quản lý, các nhà đầu tư… đặc biệt là ý tưởng tổ chức tạo kênh kết nối đối thoại giữa thủ tướng, các thành viên chính phủ với cộng đồng thanh niên khởi nghiệp.

Đặt vấn đề tìm kếm sự đột phá trong khởi nghiệp sáng tạo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã lần lượt đề nghị các bộ trưởng “chia sẻ” về những giải pháp đột phá ở chính lĩnh vực mà mình phụ trách.

Việt Nam có trung tâm đổi mới sáng tạo toàn cầu

Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh khẳng định thời gian qua chính phủ đã có sự quan tâm sát sao đến lĩnh vực này, ngay từ đề án 844, đề án hỗ trợ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia. Đó là phải làm sao hình thành được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bền vững. Các nội dung cụ thể mà ông Anh đề cập đến và báo cáo Thủ tướng Chính phủ chính là các cấu phần của hệ sinh thái khởi nghiệp như nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong và ngoài nước, không gian làm việc chung, tổ chức hỗ trợ dịch vụ… với trên 3.000 startup đang hoạt động.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh chia sẻ báo cáo đánh giá quốc tế về hệ sinh thái Việt Nam “hình thành rất tốt” với các yếu tố hạ tầng, không gian chung, thể chế chính sách, tài chính, nguồn vốn đầu tư, thị trường, văn hóa và kỹ năng của các nhóm startup. Bộ cũng đã ký kết nhiều hợp đồng, với 12.000 chuyên gia về IT và công nghệ hàng đầu thế giới, triển khai và lắp những mảng miếng đầu tiên của Trung tâm đổi mới sáng tạo toàn cầu đặt tại khu Hòa Lạc… Theo ông Anh, Đấy là cơ hội cùng với các tập đoàn, các doanh nghiệp đặt hàng khai thác nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến các chính sách đầu tư cho các nhà đầu tư thiên thần, đặc biệt gắn với thoái vốn, gọi vốn cộng đồng, từ ngân hàng, đấy là những vấn đề mang tính nút thắt đối với khởi nghiệp sáng tạo.

Ưu tiên đào tạo ngành công nghệ

Khi Thủ tướng chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến việc đào tạo nguồn nhân lực, ông “chất vấn” về vấn đề đào tạo các startup ở ngay trong trường học như thế nào? Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết bên cạnh đề án 844, thì Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành đề án 1665 về đẩy mạnh hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên đến năm 2025. Hiện tại, Bộ cũng có văn bản hướng dẫn chi tiết cho các cơ sở thực hiện. “Đề án này có các mục tiêu, đẩy mạnh tinh thần khởi nghiệp, trang bị kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên, giảm thiểu rủi ro và tạo ra thành công”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Theo ông Nhạ, Bộ GD-ĐT cũng đã làm việc với Hội đồng Anh để nhất trí chọn những thông tin tư liệu về kiến thức khởi nghiệp, kỹ năng khởi nghiệp cho các bạn trẻ. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng đã khởi động những chương trình khởi nghiệp sáng tạo để đưa vào giảng dạy và đặc biệt là ưu tiên mở những mã ngành phù hợp về công nghệ để đáp ứng được những nhu cầu mới về cuộc cách mạng công nghiệp…

“Một kèm một”

Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng phân tích những vấn đề mấu chốt để startup vươn ra toàn cầu, đó là không gian, môi trường khởi nghiệp, điều kiện tài chính và phương tiện. Đây cũng là ý kiến về những khó khăn chung mà các startup kiến nghị Chính phủ tháo gỡ.

Ở góc độ tạo vốn, ông Hùng đưa ra gợi ý khuyến khích các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ, mới, là các startup theo kiểu "doanh nghiệp anh đầu tư vào doanh nghiệp em" hay “một kèm một” và tạo cơ chế đặc biệt cho những “người dẫn dắt” này.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề nghị Thủ tướng chính phủ cho chi tiêu tập trung vào các sản phẩm công nghệ, đặc biệt là công nghệ của các startup. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhà nước cũng nên có chính sách chi tiêu, mua sắm dựa trên các sản phẩm công nghệ của doanh nghiệp startup, nên thành lập quỹ đầu tư để thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo… Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Thủ tướng sớm tuyên bố tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức thứ hai của Việt Nam, giúp giải quyết điểm nghẽn tiếng Anh trong giới trẻ Việt…

An Dy

Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/gioi-tre/de-nghi-thu-tuong-som-dua-tieng-anh-thanh-ngon-ngu-chinh-thu-hai-1028759.html