Đề nghị tăng thêm 1 ngày nghỉ lễ để người lao động tái tạo sức lao động

Sáng nay (9/9), Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ bảy khóa XII đã diễn ra dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Khang cho biết, Hội nghị lần này sẽ tập trung thảo luận, cho ý kiến vào 9 nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền của Đoàn Chủ tịch, gồm: Báo cáo một số vấn đề lớn trong dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần 3; Báo cáo xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi); Đề án “Công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giai đoạn 2019 - 2023”; Chỉ thị của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về quan hệ hợp tác với Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào giai đoạn 2019 - 2023; định hướng công tác công đoàn năm 2020.

Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì Hội nghị. Ảnh: Đ.Hải

Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì Hội nghị. Ảnh: Đ.Hải

Hội nghị cũng cho ý kiến về: Kế hoạch kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020); phương án về sắp xếp phát triển, quản lý cơ quan báo chí công đoàn; kết quả thực hiện kế hoạch số 07/KH-TLĐ ngày 31/1/2019 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2019) và Quy định về mối quan hệ phối hợp giữa Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố với Công đoàn ngành Trung ương.

Trong buổi sáng, đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trình bày báo cáo một số vấn đề lớn trong Bộ luật Lao động sửa đổi lần 3; Luật Công đoàn sửa đổi và Đề án “Công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giai đoạn 2019 - 2023” để các Ủy viên Đoàn Chủ tịch đóng góp ý kiến.

Trình bày về Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: Đến thời điểm hiện nay, Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi gồm 17 chương, 221 điều, giảm 21 điều so với Bộ luật Lao động hiện hành, trong đó sửa đổi, bổ sung 162 điều trong tất cả các chương và sửa đổi 2 Điều của Luật Bảo hiểm xã hội liên quan đến điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu.

Bàn về thời giờ làm việc bình thường, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, xu hướng giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ của loài người trên cơ sở phát triển của lực lượng sản xuất, đảm bảo tăng năng suất lao động, phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp nhưng duy trì được sức khỏe, khả năng tái tạo sức lao động cũng như có thời gian để người lao động chăm sóc gia đình và tham gia các hoạt động xã hội.

Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị xem xét để giảm thời giờ làm việc bình thường từ “không quá 48 giờ trong một tuần” xuống “không quá 44 giờ trong một tuần” và đưa vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) để Quốc hội thảo luận và biểu quyết.

Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ bảy khóa XII. Ảnh: Đ.Hải

Bên cạnh đó, tại Hội nghị lần này, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn xem xét cân nhắc đề xuất bổ sung thêm 1 hoặc một số ngày nghỉ trong năm cho người lao động.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thời giờ làm việc bình thường của người lao động Việt Nam cũng đang ở mức cao với 48h/tuần. Việc tăng thêm 1 ngày nghỉ lễ giúp cho người lao động có thêm một ngày nghỉ trong năm để người lao động được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, vừa có thêm thời gian chăm lo gia đình và góp phần kích thích các ngành dịch vụ phát triển.

Theo đó, đề nghị bổ sung 1 ngày nghỉ Tết dương lịch cho người lao động, từ 1 ngày theo quy định hiện hành lên 2 ngày.

B.D

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/de-nghi-tang-them-1-ngay-nghi-le-de-nguoi-lao-dong-tai-tao-suc-lao-dong-96139.html