Đề nghị tăng mức phạt, dùng công nghệ giám sát việc tiểu bậy, vứt rác

Ngoài đề nghị tăng mức phạt, đại biểu Nguyễn Minh Đức kiến nghị cần sử dụng công nghệ thông tin để giám sát, xử lý việc vứt rác, tiểu bậy bừa bãi nơi công cộng.

Sáng 8/7, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm tại kỳ họp HĐND Hà Nội, đại biểu Phạm Đình Đoàn (Hoàng Mai) đề cập đến các chỉ số năng lực cạnh tranh như PAPI, Par-index của thành phố. Dù các chỉ số đều tăng, vị đại biểu này vẫn băn khoăn khi PAPI vẫn ở mức thấp, xếp 54/63 tỉnh, thành phố.

"Với Thủ đô văn hiến thì không thể để chỉ số này thấp như vậy”, ông Đoàn nói.

Theo ông Đoàn, trong chỉ số trên có việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của người dân, sự tham gia của người dân cấp cơ sở. Vì vậy, thành phố cần rất quan tâm và có hành động cụ thể để củng cố chỉ số này ở mức ít nhất là "quá bán".

Các đại biểu dự họp HĐND Hà Nội. Ảnh: Sơn Hà.

Các đại biểu dự họp HĐND Hà Nội. Ảnh: Sơn Hà.

Xử nặng các hành vi thiếu văn hóa

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Thanh Xuân) nhắc đến Luật Thủ đô và kiến nghị thành phố cần có chế tài tăng nặng đối với các vi phạm hành chính như hút thuốc, vứt rác, tiểu bậy bừa bãi ở nơi công cộng. Ông Đức cũng kiến nghị cần sử dụng công nghệ thông tin để giám sát, xử lý những hành vi vi phạm này.

Kiến nghị này trước đó đã được cụ thể hóa trong công văn gửi các đơn vị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tăng cường công tác tuyên truyền, ngăn chặn các hành vi ứng xử không phù hợp nơi công cộng

Nhận định vừa qua trên địa bàn vẫn còn có hiện tượng, hành vi ứng xử chưa phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, gây bức xúc trong dư luận, Sở Văn hóa dẫn chứng vụ tiểu bậy trong thang máy chung cư Gelexia Riverside Hoàng Mai (ngày 22/6); vụ cưỡng hôn trong thang máy chung cư Golden Palm Thanh Xuân (ngày 4/3); hành vi thủ dâm của 2 người đàn ông trên xe buýt vào ngày 21/6 và 26/6…

Để ngăn chặn những vụ việc tương tự, cơ quan này đề nghị UBND các quận, huyện yêu cầu Ban quản lý các khu chung cư, tòa nhà lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các khu vực có nguy cơ xảy ra các hành vi không phù hợp với chuẩn mực văn hóa.

Than khó trong quản lý đất công

Đề cập đến công tác quản lý, chống lấn chiếm đất công, đất chưa sử dụng tại các dự án, đại biểu Nguyễn Minh Đức nêu thực tế tại quận Thanh Xuân, chính quyền đã thu hồi được đất công bị lấn chiếm nhưng theo ông, nếu như không có phương án giữ đất sẽ bị tái lấn chiếm.

Trong khi đó, các khu đất công, đất chưa sử dụng được liên kết để tạm thời làm sân bóng, bãi đỗ xe lại vi phạm quy định đất đai khiến chính quyền khó khăn trong công tác quản lý, chống lấn chiếm đất đai. Do đó, ông đề nghị UBND TP, Sở Tài chính có cơ chế sử dụng tạm thời, có cơ chế tài chính để chống lấn chiếm, tránh lãng phí và đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Đại biểu Dương Đức Tuấn (Bí thư quận Hoàn Kiếm) lại nêu thực trạng một số công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016-2020 được thực hiện theo hình thức hợp tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng chuyển giao (BT) đều triển khai chậm tiến độ, không hiệu quả.

Ông đề nghị UBND rà soát dự án trọng điểm đang thực hiện theo hình thức PPP để chuyển sang hình thức đầu tư công.

Về quỹ nhà chuyên dùng thuộc sở hữu Nhà nước hình thành năm 50 của thế kỷ trước, ông Tuấn cho biết trong quá trình sử dụng, quản lý có nhiều điểm thuê bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, dẫn đến xảy ra tranh chấp khiếu kiện kéo dài, gây khó khăn trong công tác quản lý.

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam. Ảnh: H.P.

Đặc biệt, có những vụ việc gây khiếu kiện kéo dài tới 20 năm, giảm hiệu quả sử dụng đất và thất thu cho ngân sách Nhà nước. Vì thế, phải kiểm tra, rà soát kịp thời, chấn chỉnh các hành vi sử dụng đất không đúng mục đích nhằm kiểm soát, chống tham nhũng, lãng phí.

Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Hoài Nam nêu một số nguyên nhân chủ quan dẫn đến những sai phạm trong vi phạm quản lý đất đai, trong đó trước hết do trách nhiệm chỉ đạo chưa quyết liệt, sự vào cuộc chưa nghiêm của người đứng đầu khiến các vi phạm tồn đọng kéo dài, diễn biến phức tạp.

“Dù đã xử lý cán bộ để xảy ra vi phạm, việc khắc phục sai phạm để lại, nhất là liên quan đến đất đai vẫn rất phức tạp”, ông Nam nói.

Đối với công tác phòng chống cháy nổ, đại biểu này đánh giá còn sự lúng túng sự vào cuộc chưa đồng bộ của nhiều đơn vị cơ sở nên kết quả chưa được như mong muốn.

Nêu các giải pháp khắc phục, ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng việc tuyên truyền phổ biến giáo dục phải trúng đối tượng với nhiều hình thức khác nhau. Đặc biệt, cần tăng cường kỷ cương hành chính, trách nhiệm của người đứng đầu nhất và trong quản lý đất đai và công tác phòng chống cháy nổ.

Hoài Thu

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/de-nghi-tang-muc-phat-dung-cong-nghe-giam-sat-viec-tieu-bay-vut-rac-post964670.html