Đề nghị tăng chế tài xử phạt doanh nghiệp 'bùng' hợp đồng gạo dự trữ quốc gia

Tổng cục Hải quan cho rằng, hiện nay, theo quy định của Luật Đấu thầu, trường hợp nhà thầu trúng thầu nhưng từ chối ký kết hợp đồng thì bị thu bảo đảm dự thầu từ 1% đến 3% giá gói thầu. Mức quy định này chưa đủ ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu khi trúng thầu, vì vậy cần tăng chế tài xử lý đối với các trường hợp này.

Mới mua được 3.280/190.000 tấn gạo dự trữ

Liên quan đến việc nhiều doanh nghiệp (DN) từ chối bán gạo cho dự trữ nhà nước nhưng sẵn sàng xuất khẩu, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, cơ quan này đã đấu thầu được 178.000 tấn/190.000 tấn gạo theo kế hoạch năm 2020. Tuy nhiên, hiện có 26 DN đã được phê duyệt kết quả trúng thầu và thông báo trúng thầu nhưng có văn bản từ chối ký hợp đồng hoặc không đến ký hợp đồng, với số lượng là 170.300 tấn.

Tính đến ngày 16/4, Tổng cục Dự trữ mới ký hợp đồng được 7.700 tấn, đã nhập kho 3.280 tấn; còn lại 182.300 tấn không ký được hợp đồng và phải tổ chức đấu thầu lại (bao gồm 12.000 tấn không trúng thầu và 170.300 tấn nhà thầu trúng thầu nhưng từ chối ký hợp đồng).

Đối với số lượng gạo nhà thầu từ chối ký hợp đồng, các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực đang thực hiện các thủ tục thu bảo đảm dự thầu của nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu để nộp Ngân sách Nhà nước.

Tổng cục Dự trữ Nhà nước sẽ tổ chức đấu thầu lại lượng gạo dự trữ quốc gia còn thiếu

Tổng cục Dự trữ Nhà nước sẽ tổ chức đấu thầu lại lượng gạo dự trữ quốc gia còn thiếu

Để bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch mua gạo dự trữ quốc gia năm 2020, ngày 16/4/2020, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu để tổ chức đấu thầu lại 182.300 tấn gạo theo hình thức đấu thầu rộng rãi, thời điểm mở thầu ngày 12/5/2020, thời hạn nhập gạo xong trước ngày 30/6/2020.

Tăng chế tài xử phạt doanh nghiệp “bùng thầu”

Đề xuất về vấn đề quản lý hạn ngạch xuất khẩu gạo trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh Covid-19, Tổng cục Hải quan cho rằng trong giai đoạn dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt số lượng gạo được phép xuất khẩu (không bao gồm gạo nếp) và định hướng lộ trình, tiến độ xuất khẩu; trên cơ sở đó, giao Bộ Công Thương lựa chọn phương án tối ưu để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong đó, các DN được phép tham gia đấu giá phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo; DN đã trúng thầu cung cấp gạo dự trữ nhà nước phải ký hợp đồng và hoàn thành việc giao gạo cho Cục Dự trữ nhà nước khu vực; Đồng thời phải ký thỏa thuận với ít nhất là 1 hệ thống siêu thị về việc đảm bảo cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu.

Sau dịch bệnh, đề nghị Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT đánh giá tình hình sản xuất lúa gạo trong nước, nhu cầu dự trữ quốc gia và tiêu dùng trong nước, nếu đảm bảo ổn định cung cầu thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép các DN được tiếp tục thực hiện việc kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP; không áp dụng quản lý bằng hạn ngạch xuất khẩu.

Về việc xư lý các DN “bùng” gạo dự trữ quốc gia, Tổng cục Hải quan cho rằng hiện nay theo quy định của Luật Đấu thầu, trường hợp nhà thầu trúng thầu nhưng từ chối ký kết hợp đồng thì bị thu bảo đảm dự thầu từ 1% đến 3% giá gói thầu.

Mức quy định này, theo Tổng cục Hải quan là chưa đủ ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu khi trúng thầu. Vì vậy, cơ quan này đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu để bổ sung quy định chế tài xử lý đối với công tác đấu thầu.

Danh sách 24 DN từ chối thương thảo hợp đồng hoặc từ chối ký hợp đồng gạo dự trữ quốc gia bao gồm: Công ty CP lương thực Hà Tĩnh trúng thầu 17.855 tấn; Công ty CP lương thực Cao Lạng trúng 14.080 tấn; Công ty CP lương thực Đông Bắc trúng 2.400 tấn; Công ty CP lương thực Yên Bái trúng 1.000 tấn; Công ty CP lương thực Thái Nguyên 1.320 tấn; Công ty CP lương thực Hà Nam Ninh 27.640 tấn; Công ty Thương mại Minh Khai 21.350 tấn;

Công ty TNHH Thương mại Chuong Cho 13.675 tấn; Công ty CP xuất nhập khẩu lương thực Thành Sang 13.720 tấn; Công ty TNHH Thủ Long Hà Nam 11.920 tấn; Công ty TNHH Hưng Cúc 2.550 tấn; Công ty CP Liên Bảo Thành 1.000 tấn; Công ty TNHH Thùy Dương 2.400 tấn; Công ty TNHH Liên Hạnh 1.700 tấn; Công ty TNHH Phú Minh Hưng 1.000 tấn; Công ty TNHH Minh Thu 1.000 tấn; Công ty TNHH Lôc Vân 1.050 tấn; Công ty CP TM&DL Bắc Hà Tĩnh 900 tấn; Công ty TNHH XNK lương thực Bình Minh Hai 4.600 tấn; Công ty TNHH MTV Đức Thắng 1.300 tấn.

Công ty CP XNK tổng hợp An Thịnh trúng 2.000 tấn nhưng mới ký hợp đồng 1.000 tấn; Công ty CP lương thực Thanh Nghệ Tĩnh trúng 3.300 tấn mới ký 800 tấn.

Đáng chú ý, có 4 doanh nghiệp từ chối thương thảo hợp đồng và từ chối ký hợp đồng nhưng lại đăng kí xuất khẩu, bao gồm:

Tổng công ty Lương thực miền Bắc trúng thầu 4.500 tấn, chưa ký hợp đồng nhưng đăng ký xuất khẩu 7.200 tấn.

Công ty TNHH Phát Tài trúng thầu 17.940 tấn, đăng ký xuất khẩu 13.000 tấn.

Công ty CP Mỹ Tường trúng thầu 900 tấn và Công ty CP xuất nhập khẩu Thuận Minh trúng 1.000 tấn chưa ký hợp đồng nhưng đều đăng ký tờ khai xuất khẩu trên 10.000 tấn.

Có hai doanh nghiệp ký hợp đồng là Công ty trách nhiệm hữu hạn Tự lực với 4.600 tấn; Công ty trách nhiệm hữu hạn Phước Hồng 1.300 tấn.

Hà Loan

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/kinh-doanh/de-nghi-tang-che-tai-xu-phat-doanh-nghiep-bung-hop-dong-gao-du-tru-quoc-gia/850974.antd