Đề nghị sớm trình Quốc hội điều chỉnh dự toán thu chi, bội chi ngân sách

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, ngày 13-6, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Ngay từ đầu giờ sáng, đã có 90 đại biểu đăng ký tham gia phát biểu ý kiến. Các đại biểu đều bày tỏ đồng tình với báo cáo KT-XH của Chính phủ, đánh giá cao công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua, chia sẻ với những khó khăn của người dân, doanh nghiệp; đồng thời đóng góp các ý kiến, giải pháp nhằm thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả vừa khôi phục, phát triển KT-XH trong trạng thái bình thường mới.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Phó chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp. Ảnh: TTXVN.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Phó chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp. Ảnh: TTXVN.

Ứng phó tuyệt vời với dịch bệnh

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) khẳng định: Trong bối cảnh đặc biệt của năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, trước những tác động kép của đại dịch Covid-19 và thiên tai, hạn hán, Việt Nam đã có những ứng phó tuyệt vời, để lại dấu ấn quan trọng trong đời sống kinh tế, chính trị trong nước và quốc tế - Đây cũng là nhận định, đánh giá của cử tri, nhân dân trong nước và cộng đồng quốc tế. Trong khi ở thời điểm hiện tại, nhiều nước đang phải căng mình chống chọi với dịch bệnh thì Việt Nam vẫn là điểm đến an toàn. Vị thế chính trị của Việt Nam tăng lên trên mặt trận ngoại giao. KT-XH dần mở cửa trở lại với trạng thái mới. Năm 2019, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng đạt và vượt; trong những tháng đầu năm 2020, theo dự báo, vẫn đạt mức tăng trưởng gần 3%.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa-Vũng Tàu) thì nhấn mạnh: Với sự lãnh đạo của Đảng, sự năng động, chủ động, quyết liệt trong quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của toàn dân tộc, việc khống chế, đẩy lùi dịch bệnh và nhanh chóng thiết lập trạng thái bình thường mới đã tạo ra niềm tin rất lớn trong nhân dân, khơi dậy sức mạnh từ lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc...

Sắp xếp lại chi và nới trần bội chi

Đánh giá cao những thành tựu về KT-XH trong thời gian qua, quan tâm đến việc khôi phục hoạt động sản xuất, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội phân tích: Khi kinh tế suy giảm, nguyên tắc cơ bản là nới lỏng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, tăng chi tiêu công và tăng cung ứng vốn để kích thích nền kinh tế... Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 làm cả cung và cầu đều suy giảm nên việc nới lỏng mỗi chính sách cần có liều lượng phù hợp, phải đặt ra ngưỡng trần, lường trước những rủi ro, thúc đẩy sản xuất lại trong bối cảnh chúng ta đã hội nhập sâu, độ mở của nền kinh tế lớn.

Cũng theo đại biểu tỉnh Phú Thọ, thu ngân sách thời gian qua giảm mạnh, trong khi phải tăng chi để chống dịch, khôi phục kinh tế nên cần sắp xếp lại cho và nới trần bội chi. Chính phủ đã có tờ trình về chính sách tài khóa song lại chưa trình phương án cụ thể để điều chỉnh các chỉ tiêu ngân sách, làm căn cứ để Quốc hội xem xét, quyết định. Chính phủ chỉ nêu 2 kịch bản ngân sách tương ứng với 2 kịch bản dự báo về tăng trưởng, do đó, đại biểu đề nghị cần đánh giá cụ thể để sớm trình Quốc hội điều chỉnh dự toán thu chi, bội chi ngân sách. Đồng thời, Chính phủ cần thường xuyên đánh giá tình hình để điều hành phù hợp, không thể chi như cũ khi thu đang bị ảnh hưởng lớn như hiện nay. Cùng với đó, cần kịp thời cập nhật nguồn thu và khả năng vay để sắp xếp lại nhiệm vụ chi, ưu tiên cho các nhiệm vụ cấp bách...

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) phát biểu ý kiến. Ảnh: Quốc hội.

Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng, với tình hình hiện nay, việc kiểm soát giá cả là cấp bách để bảo đảm ổn định đời sống của nhân dân. Vì vậy, điều tiết giá cả không thể bằng mệnh lệnh hành chính mà phải bằng quản lý, điều tiết từ “bàn tay vô hình” của nhà nước. Những mặt hàng thị trường quyết định giá phải nghiên cứu xem tăng giá cho sản xuất hay lưu thông; phải tuyên truyền, định hướng, có giải pháp hỗ trợ cần thiết; không nên để tình trạng giá thịt lợn cao ngất ngưởng như thời gian qua.

"Nếu do khâu sản xuất thì phải kích thích tăng đàn, nhập khẩu; nếu do khâu lưu thông thì có biện pháp hợp lý, cân nhắc đến cả việc nhà nước thu mua trực tiếp, cung ứng trực tiếp cho thị trường. Bên cạnh đó cũng cần ứng dụng công nghệ thông tin để công khai giá nhập khẩu vật tư thiết bị, các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, có thể làm được qua tờ khai hải quan để có giá tham khảo, kiểm soát khi mua sắm từ kinh phí ngân sách nhà nước, không để xảy ra những vụ việc như mua máy xét nghiệm thời gian qua...", đại biểu lưu ý.

Đầu tư các ngành kinh tế văn- xã là trụ cột

Đề cập đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (TP Hà Nội) bày tỏ: Việt Nam đang được thế giới nhắc đến như một điều kỳ diệu trong chống đại dịch. Mỗi đại biểu Quốc hội chúng ta cũng đang tự hào và suy ngẫm về điều kỳ diệu đó và tự hỏi làm thế nào để hậu Covid-19 trong 10 năm tới, chúng ta có thể viết nên câu chuyện thần kỳ về kinh tế Việt Nam.

“Thật kỳ diệu, khi chúng ta đã chiến thắng dịch Covid-19 như chiến thắng Điện Biên Phủ”, đại biểu bày tỏ và liên tưởng tới vấn đề văn hóa; khẳng định, “chính văn hóa là nguồn lực chiến lược cho phát triển đất nước ta trong thế kỷ XXI”.

Đại biểu cho rằng, “khai thác và phát huy có hiệu quả tài nguyên vô giá này không chỉ giúp dân tộc Việt Nam trường tồn mà còn giúp đất nước ta phát triển mạnh mẽ, không tụt hậu trong khu vực và trên thế giới. Văn hóa không chỉ là sức mạnh mềm, văn hóa còn là nguồn vật chất lớn lao phát triển KT-XH, đặc biệt ở các nước có nền văn hóa lâu đời, đặc sắc như nước ta”. Điều lớn lao nữa là xây dựng hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế trở thành thương hiệu quốc gia đặc sắc, có giá trị vật chất đặc biệt, riêng có của Việt Nam”. Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu lựa chọn đầu tư các ngành kinh tế văn - xã là trụ cột, là khâu đột phá để phát triển đất nước trong kế hoạch phát triển KT-XH thời gian tới và những năm tiếp theo.

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/de-nghi-som-trinh-quoc-hoi-dieu-chinh-du-toan-thu-chi-boi-chi-ngan-sach-622925