Đề nghị sớm có giải pháp để đội ngũ nhà giáo yên tâm cống hiến

Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho rằng việc thực hiện chủ trương và các quy định về thi tuyển viên chức để đảm bảo đội ngũ giáo viên có chất lượng tốt, đạt chuẩn về trình độ và nghề nghiệp là việc làm đúng. Tuy nhiên, đề nghị TP Hà Nội xem xét, có giải pháp để có thể đặc cách hoặc có chính sách ưu tiên thích hợp trong quá trình thi tuyển viên chức đối với các giáo viên tham gia giảng dạy lâu năm, tâm huyết với nghề, có trình độ chuyên môn tốt.

Liên quan đến việc thi tuyển viên chức giáo viên hợp đồng ở huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Vũ Minh Đức vừa có văn bản gửi lãnh đạo UBND TP Hà Nội, Sở Nội vụ TP Hà Nội và Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội đề nghị xem xét, hỗ trợ cho 256 giáo viên ở Sóc Sơn tham gia thi tuyển viên chức năm 2019.

Các giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn mong muốn Thành phố có chính sách ưu tiên đối với các giáo viên công tác lâu năm trong kỳ thi tuyển viên chức năm nay. Ảnh: Đình Tuệ

Các giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn mong muốn Thành phố có chính sách ưu tiên đối với các giáo viên công tác lâu năm trong kỳ thi tuyển viên chức năm nay. Ảnh: Đình Tuệ

Theo ông Vũ Minh Đức, Công đoàn Giáo dục Việt Nam nhận được đơn của nhiều giáo viên đang công tác tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Qua nắm bắt tình hình và đơn của giáo viên, Công đoàn Giáo dục Việt Nam được biết, trong thời gian tới, UBND TP Hà Nội tổ chức kỳ thi tuyển viên chức năm 2019.

Trong số những người dự thi tuyển kỳ thi này có trên 250 giáo viên cấp Tiểu học và THCS tại huyện Sóc Sơn là những người đã hợp đồng giảng dạy nhiều năm, nhiều người là giáo viên giỏi các cấp, có nhiều thành tích trong giảng dạy; có người có hoàn cảnh khó khăn hoặc đã lớn tuổi.

Trong năm 2019, huyện Sóc Sơn tổ chức kỳ thi tuyển giáo viên các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở với tổng chỉ tiêu 685 chỉ tiêu, cụ thể: Mầm non: 206 chỉ tiêu; tiểu học: 282 chỉ tiêu; THCS: 197 chỉ tiêu. Trong số giáo viên dự kỳ thi tuyển có 256 giáo viên hiện đang dạy hợp đồng với thời gian giảng dạy từ 5 năm đến 20 năm.

256 giáo viên hiện đang dạy hợp đồng, được huyện Sóc Sơn chi trả lương từ nguồn ngân sách của huyện, được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và được nâng lương theo quy định.

Trước nguyện vọng của 256 giáo viên và tình hình thực tế tại địa phương, UBND huyện đã có công văn gửi UBND Thành phố tạo điều kiện để UBND huyện tiếp tục ký hợp đồng với các giáo viên đang giảng dạy hợp đồng tại các trường, nếu không trúng trong đợt thi tuyển giáo viên tạo điều kiện cho giáo viên được tiếp tục cống hiến cho ngành giáo dục của huyện.

Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho rằng: Việc thực hiện chủ trương và các quy định hiện hành của Chính phủ về thi tuyển viên chức để đảm bảo có đội ngũ giáo viên có chất lượng tốt, đạt chuẩn về trình độ, chuẩn nghề nghiệp nhất định là việc làm đúng và cần thiết.

Tuy nhiên, trong điều kiện cụ thể, với những giáo viên đã có nhiều năm công tác trong ngành, để có sự ghi nhận đối với quá trình cống hiến cho ngành giáo dục, tạo được sự đồng thuận, tin tưởng của người lao động khi thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước, đồng thời thể hiện sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền Thành phố đối với sự nghiệp giáo dục, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề nghị lãnh đạo UBND Thành phố và các Sở: Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xem xét, có giải pháp để có thể xét đặc cách; hoặc có chính sách ưu tiên thích hợp trong quá trình thi tuyển viên chức đối với các giáo viên tham gia giảng dạy lâu năm, tâm huyết với nghề, có trình độ chuyên môn tốt (giáo viên dạy giỏi các cấp, giáo viên có nhiều thành tích trong công tác...), giáo viên tham gia công tác quản lý, từ tổ trưởng các tổ chuyên môn trở lên, giáo viên là cán bộ công đoàn từ tổ trưởng công đoàn trở lên, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn.

Đối với số giáo viên không trúng tuyển, nhưng đã có thời gian công tác trong ngành giáo dục nhiều năm, thì xem xét, tiếp tục ký hợp đồng và bố trí ở những nơi còn thiếu.

Đối với những người không trúng tuyển và không bố trí được, thì ngoài các chế độ theo quy định của Nhà nước, cần có sự quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ để họ có cơ hội chuyển đổi công việc, tìm kiếm việc làm mới, sớm ổn định cuộc sống.

Như Lao động Thủ đô đã thông tin, theo phản ánh của 256 giáo viên hợp đồng dạy cấp tiểu học và THS ở huyện Sóc Sơn, họ được UBND huyện Sóc Sơn ký hợp đồng lao động và được phân công về giảng dạy tại các trường trên địa bàn huyện. Thế nhưng, hiện tại họ đang đứng trước nguy cơ mất việc vì giáo viên hợp đồng sẽ phải tham gia vào kỳ thi tuyển viên chức của Thành phố. Nếu giáo viên nào thi không đỗ hoặc không thi tuyển viên chức thì sẽ bị cắt hợp đồng.

Qua tìm hiểu của phóng viên, trong số 256 giáo viên hợp đồng này, có những giáo viên đã công tác trong ngành giáo dục huyện Sóc Sơn gần 30 năm. Nhiều người là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp thành phố. Không ít thầy cô luôn là giáo viên mũi nhọn trong nhà trường, bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố. Có thầy cô được tặng nhiều bằng khen các cấp, tặng Huy chương vì sự nghiệp giáo dục.

Theo chia sẻ của các giáo viên, ngay từ những ngày huyện Sóc Sơn còn thiếu giáo viên, họ đã nhận dạy hợp đồng cho huyện. Dù đời sống có gặp nhiều khó khăn nhưng họ luôn nỗ lực phấn đấu cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của huyện. Trong suốt thời gian công tác, họ đã thể hiện được năng lực chuyên môn của mình.

Tại buổi đối thoại gần đây giữa 256 giáo viên hợp đồng với LĐLĐ huyện và UBND huyện Sóc Sơn cùng với sự tham gia của lãnh đạo LĐLĐ TP Hà Nội, bà Trần Thị Thanh Huế - Chủ tịch LĐLĐ huyện Sóc Sơn cho biết: Huyện đã ghi nhận 15 ý kiến, tập trung đề nghị UBND huyện đề xuất với Thành phố có chính sách ưu tiên đối với các giáo viên công tác lâu năm trong ngành giáo dục trong kỳ thi tuyển giáo viên năm nay. Đồng thời, có cơ chế tạo điều kiện cho các giáo viên đang dạy hợp đồng tiếp tục được công tác trong ngành giáo dục nếu không trúng tuyển trong kỳ thi viên chức năm 2019.

B.Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/de-nghi-som-co-giai-phap-de-doi-ngu-nha-giao-yen-tam-cong-hien-89400.html