Để nghị quyết đi vào cuộc sống

Mỗi năm, cán bộ từ Trung ương đến địa phương được tham gia hàng chục hội nghị học tập, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đấy là chưa kể tới vô vàn các lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ do các bộ, ban, ngành, địa phương tổ chức. Để tiết kiệm tiền bạc và thời gian, phần lớn các hội nghị đã thực hiện theo hướng trực tuyến.

Hội nghị trực tuyến giúp cắt giảm, tiết kiệm chi phí đi lại, ăn ở của đại biểu và những chi phí phát sinh khác bằng cách sử dụng công nghệ thông tin, đưa ra một hình thức kết nối giúp chuyển tải nội dung của các chỉ thị, nghị quyết, chính sách pháp luật đến nhanh hơn và cùng lúc với nhiều đối tượng, phù hợp với tính chất, yêu cầu nhiệm vụ của từng lực lượng, thành phần trong xã hội. Tuy nhiên, việc học tập, quán triệt kiểu này hiệu quả đến đâu vẫn là một câu hỏi.

Những mặt tính cực, lợi ích của hội nghị trực tuyến chúng ta đều thấy rõ, nhưng cũng cần nhìn vào những mặt hạn chế của nó để thấy được những bất cập, thiếu hiệu quả. Sau khi Trung ương thực hiện học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, các văn bản pháp luật mới… thì sau đó, địa phương từ tỉnh cho tới huyện cũng rầm rộ đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, mời báo cáo viên truyền đạt các nội dung của hội nghị cấp trên bằng hình thức trực tuyến.

Trong các hội nghị này, các báo cáo viên cứ nói, còn người nghe có nghe, có hiểu, có lĩnh hội được gì hay không thì không ai có thể đánh giá được vì thiếu sự tương tác, trao đổi, thảo luận giữa người nói và người nghe.

Quang cảnh một buổi học tập và quán triệt nghị quyết tại một đơn vị. (Ảnh có tính chất minh họa).

Đúng ra, những hội nghị như thế này là rất cần thiết để cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức, hiểu biết, từ đó cụ thể hóa việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước cho phù hợp với đời sống kinh tế - xã hội của cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Thế nhưng, tại không ít nơi, những hội nghị học tập, quán triệt kiểu này, lãnh đạo các đơn vị hay cá nhân chỉ tham gia theo kiểu "đối phó", ít nhiều gây nên lãng phí, tốn kém.

Điều đáng nói là hội nghị buổi sáng có mặt các học viên khá đông đủ nhưng buổi chiều lại vắng học với rất nhiều không có lý do. Ấy là chưa nói đến tình trạng trong giờ học nghị quyết còn nói chuyện riêng, lướt web, không có sổ sách ghi chép hoặc có sổ sách nhưng lại không ghi chép gì…

Việc viết bài thu hoạch cá nhân thì được các ban, các phòng bảo nhau cùng làm bài tập thể. Nghĩa là giao khoán hẳn cho một người lo đi sưu tầm, tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu rồi về làm bài, sau đó cứ phân phát cho mọi người để cùng sao chép, ký tên đàng hoàng. Thế là, bài vẫn đáp ứng được yêu cầu mà lại đỡ tốn sức, tốn công. Những bài thu hoạch kiểu này thường giống nhau tới 80% đến 90%, còn lại những câu hỏi đại loại như "Bạn sẽ có đóng góp gì không" hay "Liên hệ với thực tiễn của cơ quan, đơn vị bạn" thì may ra mới khác nhau. Nhưng nhiều khi, với cả những câu hỏi riêng tư này, người ta cũng thấy đáp án không sai lấy một chữ.

Công bằng mà nói, tổ chức các hội nghị trực tuyến ít nhiều cũng tác động tích cực tùy theo nội dung, ý nghĩa, mục đích các hội nghị, giúp những người trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia có thêm những nhận thức về chính trị, xã hội, kiến thức pháp luật...

Tuy nhiên, việc học tập, quán triệt theo kiểu đối phó như trên thì chủ yếu đem lại sự lãng phí thời gian và công sức của tập thể. Về phần mình, ban tổ chức cũng chẳng phải bận tâm vì thời gian đâu mà đọc những bài thu hoạch kiểu giống hệt nhau như vậy, chỉ cần đủ bài là xong.

Cán bộ, đảng viên được coi là "cầu nối" để đưa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với quần chúng nhân dân. Vì thế, muốn hiểu rõ về nghị quyết, muốn biến lý luận, đường lối và ý chí của Đảng vào thực tiễn một cách hiệu quả, trước hết, việc học tập nghị quyết phải thực sự nghiêm túc, có chất lượng từ cấp cao xuống cấp thấp hơn.

Chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các chính sách pháp luật của Nhà nước là sản phẩm trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân. Nó chỉ đi vào cuộc sống và phát huy được công năng khi mỗi cán bộ, đảng viên thấm nhuần nội dung của chỉ thị, nghị quyết, của các chính sách. Do đó, nếu không loại bỏ được những cách làm qua loa, hình thức trong học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết thì có nghĩa là đang lãng phí trí tuệ của Đảng, của nhân dân.

Trên đây chỉ là một phần nhỏ chưa được như mong muốn của những hội nghị trực tuyến. Mong rằng với những đóng góp này, người tổ chức sẽ có thêm những cân nhắc sao cho các hội nghị trực tuyến thực sự có tác dụng thiết thực để cán bộ, đảng viên nâng cao hiểu biết, trình độ năng lực phục vụ nhân dân, góp phần vào sự phát triển của đất nước.

Cù Tất Dũng

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/de-nghi-quyet-di-vao-cuoc-song-511284/