Đề nghị quy định trách nhiệm thẩm định của cơ quan quân sự, công an đối với các dự án KT-VH-XH

Để chuẩn bị nội dung kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, ngày 19-10, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi).

ĐB Nguyễn Đình Tiến góp ý vào dự thảo Luật QP.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Bá Sơn cho biết: Qua tổng kết 10 năm thực hiện Luật Quốc phòng (QP) năm 2005 cho thấy đã bộc lộ nhiều hạn chế, khuyết điểm, bất cập, vì vậy việc xây dựng dự thảo Luật QP (sửa đổi) là cần thiết, phù hợp với các quan điểm, chủ trương mới của Đảng và Hiến pháp năm 2013. Dự thảo Luật gồm 7 chương, 46 điều, quy định chính sách QP, nguyên tắc, hoạt động cơ bản về QP; tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về QP; lực lượng vũ trang nhân dân, đảm bảo QP; nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức; quyền và nghĩa vụ của công dân về QP. Đoàn ĐBQH TP sẽ tiếp thu, ghi nhận đầy đủ các ý kiến góp ý của các đại biểu (ĐB) để báo cáo UBTVQH, ban soạn thảo và sẽ tổng hợp, đóng góp ý kiến tại diễn đàn Quốc hội.

Góp ý dự thảo luật, ĐB Nguyễn Đình Tiến (QK5) nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật QP năm 2005 nhằm đảm bảo sự đồng bộ, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về QP, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và hội nhập quốc tế hiện nay.

Góp ý vào các nội dung cụ thể, ĐB Nguyễn Đình Tiến đề nghị rà soát khoản 13, điều 3 của dự thảo, không nên quy định các nội dung liên quan đến tình trạng khẩn cấp về QP trong dự thảo Luật vì khái niệm “Tình trạng khẩn cấp” quy định trong Hiến pháp 2013 và một số luật khác đã bao gồm cả “Tình trạng khẩn cấp về QP”. Về giải thích từ ngữ, ĐB Tiến đề nghị giải thích rõ hơn các khái niệm “Quốc phòng”, “quân sự”, “chiến tranh thông tin mạng” và bổ sung giải thích các khái niệm: hoạt động quốc phòng, hoạt động quân sự, nhiệm vụ quốc phòng, nhiệm vụ quân sự. ĐB Tiến đề nghị cơ quan soạn thảo chỉ nên giải thích những thuật ngữ chuyên ngành, ít thông dụng, được dùng nhiều lần, những nội dung khác nên giải thích hoặc quy định trong điều luật có nội dung tương ứng.

Về các hành vi bị cấm (điều 7), ĐB Tiến cho rằng liệt kê như tại khoản 5 là dài nhưng lại khó đầy đủ và đề nghị sửa lại theo hướng quy định khái quát là cấm hành vi thu thập thông tin bí mật Nhà nước về QP là đủ và phù hợp. ĐB Tiến đề nghị cân nhắc các hành vi: “trốn tránh thực hiện NVQS, nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ” quy định tại điều 6 dự thảo Luật vì các hành vi này đã được quy định tại Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 và Luật Dân quân tự vệ năm 2009.

Về Khu vực phòng thủ (KVPT, điều 10), ĐB Tiến đề nghị bổ sung nguyên tắc về lập quy hoạch xây dựng thế trận quân sự trong KVPT, làm rõ nội dung, căn cứ, thẩm định, điều chỉnh, cơ chế chỉ đạo, chỉ huy và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức. Về kết hợp QP với KT-VH-XH, ĐB Tiến đề nghị quy định cụ thể về trách nhiệm thẩm định của cơ quan quân sự, công an các cấp đối với từng loại dự án nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc như trong thời gian qua và đảm bảo tính khả thi.

Tại hội nghị, các ĐB đến từ BCH Vùng 3 Hải quân, BCHQS quận Ngũ Hành Sơn, BCHQS H. Hòa Vang, Trường Quân sự QK5… còn đóng góp nhiều ý kiến về các nội dung: Tác chiến không gian mạng, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, đề nghị sau khi Luật QP sửa đổi được thông qua cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn để đảm bảo luật đi vào cuộc sống. Các ĐB cũng thống nhất đề nghị quy định Hội đồng QP và an ninh có cơ quan thường trực giúp việc theo hướng “Bộ QP là cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng Quốc phòng và an ninh. Thành phần, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của cơ quan thường trực do Hội đồng QP và an ninh quy định”.

K.T

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_173925_de-nghi-quy-di-nh-tra-ch-nhie-m-tha-m-di-nh-cu-a-c.aspx