Đề nghị quy định chặt chẽ việc góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài

Chiều 26-5, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ chín.

Thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội đã góp ý các vấn đề liên quan đến bảo đảm quốc phòng, an ninh (QPAN) ở những địa bàn trọng yếu khi nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) mua cổ phần, góp vốn trong các dự án đầu tư tại đây.

Chấm dứt hoạt động đầu tư nếu gây phương hại đến QPAN

Tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và tại hội trường về dự án luật này. Trong đó, một số đại biểu đề nghị bổ sung vào Điều 5 nội dung quy định “Thủ tướng Chính phủ có quyền ngăn chặn việc chuyển nhượng dự án đầu tư đang xây dựng hoặc đang hoạt động cho nhà ĐTNN, nếu xét thấy việc chuyển nhượng đó có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và lợi ích quốc gia”.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết: Việc chuyển nhượng dự án đầu tư cho nhà ĐTNN phải đáp ứng điều kiện đầu tư trong trường hợp dự án thuộc ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện áp dụng đối với nhà ĐTNN, trong đó đã tính đến yếu tố QPAN. Ngoài ra, yếu tố bảo đảm QPAN còn được quy định tại các điều, khoản khác trong dự thảo luật. Theo đó, nhà ĐTNN đầu tư theo hình thức thành lập tổ chức kinh tế, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các điều kiện về QPAN và bị đình chỉ, ngừng, chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh nếu hoạt động này gây phương hại đến QPAN quốc gia.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) nhắc tới quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 32 dự thảo luật: "Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền chấp nhận chủ trương đầu tư dự án của nhà ĐTNN, tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN thực hiện tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển và khu vực khác có ảnh hưởng đến QPAN". Cho rằng đây là những khu vực trọng yếu liên quan đến QPAN của đất nước, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định rõ việc chủ tịch UBND cấp tỉnh trước khi phê duyệt chủ trương phải báo cáo các bộ, ngành Trung ương có liên quan hoặc phải gửi báo cáo sau khi có quyết định.

Kiểm soát tình trạng nhà ĐTNN núp bóng đầu tư tại địa bàn trọng yếu

Theo Điểm c, Khoản 3, Điều 26 dự thảo luật, nhà ĐTNN góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển hoặc khu vực khác có ảnh hưởng đến QPAN thì phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần vốn góp vào tổ chức kinh tế trước khi thay đổi thành viên, cổ đông. Một số ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ tám đề nghị làm rõ, bổ sung quy định tiêu chí xác định phân loại địa bàn xã, phường, hải đảo, ven biển đối với việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà ĐTNN, vì đây là khu vực trọng yếu liên quan đến QPAN của đất nước; đồng thời làm rõ trách nhiệm, trình tự, thủ tục lấy ý kiến của bộ quản lý ngành trong các trường hợp này.

Giải trình về nội dung này, UBTVQH nêu rõ: Vị trí các đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển đã được thể hiện trên bản đồ địa giới hành chính. Theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 37 dự thảo luật, hoạt động góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Ngoài ra, tại Khoản 5 giao Chính phủ quy định chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế, trong đó có trình tự, thủ tục đối với nhà ĐTNN góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển hoặc khu vực khác có ảnh hưởng đến QPAN, trường hợp này phải lấy ý kiến của bộ, ngành có liên quan theo quy định của pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (đoàn Đà Nẵng) đặt vấn đề: “Tôi thắc mắc là chúng ta quy định không cấp giấy phép đầu tư cho các nhà ĐTNN vào khu vực này, nhưng chúng ta lại cho phép góp vốn mà không quy định những điều kiện cụ thể. Vậy quy định như thế này đã đủ mạnh, đủ ngăn chặn được những hình thức đầu tư thông qua các hoạt động như góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế để đầu tư vào các địa điểm trọng yếu về QPAN của nhà nước ta hay không?”.

Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp hiện hành đã có một số quy định để bảo đảm QPAN. Dự thảo luật lần này đã bổ sung một số quy định mới để bảo đảm được các nhiệm vụ QPAN, tránh trường hợp các nhà ĐTNN núp bóng và đầu tư chui hay đầu tư tại các địa bàn nhạy cảm về QPAN. “Tuy nhiên, hôm nay nghe rất nhiều đại biểu có ý kiến, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện, có những chính sách phù hợp hơn, mạnh hơn để có thể kiểm soát được các vấn đề này”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Ngày 26-5, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ sáu theo hình thức trực tuyến tại Nhà Quốc hội. Buổi sáng, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo của UBTVQH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và tiến hành thảo luận về dự thảo luật này. Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục phiên họp trực tuyến tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Ngày 27-5, Quốc hội họp trực tuyến tại Nhà Quốc hội để xem xét báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/de-nghi-quy-dinh-chat-che-viec-gop-von-cua-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-619028