Đề nghị Quốc hội sớm thông qua Luật Biên phòng Việt Nam

Ngày 30-6, tại thành phố Huế, Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội đã tổ chức Hội nghị tọa đàm về dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN). Với gần 50 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương, các nhà nghiên cứu, chuyên gia, cán bộ đã nghỉ hưu, hội nghị đã tiếp nhận nhiều ý kiến đóng góp theo 10 nội dung cần thảo luận của dự thảo. Báo Biên phòng xin trích lược một số ý kiến giới thiệu đến bạn đọc.

Thiếu tướng Trần Văn Nam, Phó Tư lệnh pháp luật Cảnh sát Biển Việt Nam: Theo tôi, việc xây dựng Luật BPVN là bước quan trọng nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ biên giới trong giai đoạn hiện nay. Để hoàn thiện hơn nữa dự thảo Luật BPVN, tôi xin tham gia góp ý một số vấn đề. Cụ thể, ở khoản 1, Điều 2: Khái niệm “Biên phòng” cần giải thích thuộc phạm trù “chế độ pháp lý của hoạt động Biên phòng”. Điều 3: Xem xét bổ sung nội dung thể hiện đầy đủ chính sách của Nhà nước về Biên phòng. Tên gọi và nội dung Chương II của dự thảo Luật BPVN phải thể hiện được nội dung nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân. Điều 7: Cần bám sát nội dung của Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị để xác định rõ “lực lượng bảo vệ biên giới quốc gia toàn dân rộng khắp”. Điều 9: Việc sử dụng cụm từ “chủ trì, phối hợp” khó triển khai trong thực tiễn. Chỉnh sửa tên Chương III vì nội hàm hoạt động hợp tác quốc tế chưa phân định rõ ràng là hoạt động Biên phòng hay hoạt động của BĐBP...

Đại tá Trần Đăng Dũng, nguyên Phó Tham mưu trưởng BĐBP: Qua nghiên cứu dự thảo Luật BPVN, tờ trình Dự án Luật BPVN do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay mặt Chính phủ trình bày và báo cáo thẩm tra dự thảo Luật BPVN của Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội, tôi hoàn toàn đồng tình với nội dung, bố cục các chương, điều mà dự thảo đã đưa ra. Tuy nhiên, tôi có một số ý kiến đóng góp, đó là đối với Điều 5, đề nghị sửa tiêu đề thành “Nội dung nhiệm vụ công tác Biên phòng” để tránh gây hiểu nhầm đây chỉ là nhiệm vụ của lực lượng BĐBP. Điều 13, cần chỉ rõ hơn về nhiệm vụ của BĐBP vì có một số nhiệm vụ mà BĐBP không phải là nòng cốt, chỉ tham mưu hoặc tham gia với các bộ, ngành và địa phương. Trong Điều 15 của dự thảo, ở khoản 1, cụm từ “bố trí” chưa rõ là bố trí trong chiến lược đóng đồn, trạm hay là chiến thuật. Trong những năm qua, việc bố trí đồn, trạm ở các cấp có nhiều quan điểm khác nhau, vì vậy, cần phải làm rõ quyền hạn cấp nào trong bố trí đồn, trạm Biên phòng. Bên cạnh đó, cần thêm cụm từ “người và phương tiện ra vào khu vực biên giới” để làm rõ đối tượng phải kiểm tra, kiểm soát, xử lý.

Tôi cũng như nhiều cán bộ Biên phòng khác rất mong, Luật BPVN sớm được Quốc hội thông qua để tạo cơ sở pháp lý cho toàn dân, các bộ, ngành và lực lượng BĐBP có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ông Nguyễn Ngọc Phương, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình: Từ thực tiễn của BĐBP Quảng Bình, tôi xin đóng góp ý kiến vào dự thảo như sau: Thứ nhất, cần bổ sung về chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi nhiệm vụ Biên phòng để bản thân cũng như gia đình cán bộ Biên phòng có niềm tin, yên tâm công tác, nhất là trong bối cảnh ở biên giới luôn phải tiếp cận, đấu tranh với các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy ngày càng manh động như hiện nay. Thứ hai, có ý kiến cho rằng, khoản 4, Điều 14 và khoản 3, Điều 15 trong dự thảo Luật BPVN chồng chéo với Điều 7, Luật Hải quan 2014: “Trong địa bàn hoạt động hải quan thì cơ quan Hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa, phương tiện vận tải và xử lý vi phạm pháp luật về hải quan”. Tuy nhiên, dự thảo Luật BPVN nêu rõ: “BĐBP có quyền kiểm soát xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu do BĐBP quản lý”, đồng thời “kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật”. Bởi vậy, việc quy định nhiệm vụ của BĐBP như dự thảo Luật BPVN là phù hợp với thực tiễn, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và địa bàn hoạt động của Hải quan.

Ông Lê Văn Lành, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế: Xã Hồng Thái có đường biên giới dài 14,975km với 7 mốc quốc giới tiếp giáp với huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào. Những năm qua, Đồn Biên phòng Nhâm, BĐBP Thừa Thiên Huế đã có rất nhiều hoạt động để bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, đồng thời, có nhiều hoạt động, mô hình giúp nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh trật tự ở khu vực biên giới. Qua nghiên cứu dự thảo Luật BPVN, tôi nhận thấy, các điều khoản quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ Biên phòng từ Điều 26 đến Điều 32, Chương VI rất cụ thể, chặt chẽ, không có sự chồng chéo với các văn bản pháp luật hiện hành. Các nội dung đã cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, phù hợp với Hiến pháp 2013. Dự thảo Luật BPVN quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân thực thi nhiệm vụ Biên phòng là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn và hệ thống văn bản pháp luật hiện hành, đặc biệt là tuân thủ đúng nguyên tắc “một cơ quan thực hiện nhiều việc, có việc là chủ trì, có việc tham gia phối hợp”. Qua đó, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và xây dựng lực lượng BĐBP.

Chính vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội khóa XIV ký ban hành Luật BPVN, tạo hành lang cơ sở pháp lý để lực lượng BĐBP tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Trúc Hà (lược ghi)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/de-nghi-quoc-hoi-som-thong-qua-luat-bien-phong-viet-nam-post430456.html