Đề nghị phạt trên 80 triệu đồng quán bánh mì khiến 200 người ngộ độc

Cơ quan chức năng đã đề xuất xử phạt quán bánh mì vỉa hè kinh doanh không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khiến trên 200 người đã nhập viện số tiền 82,5 triệu đồng.

Cửa hàng bánh mì đã bị đình chỉ hoạt động

Sáng 14.12, một lãnh đạo Phòng Y tế TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, đơn vị này đã có tham mưu cho UBND TP Buôn Ma Thuột trình UBND tỉnh Đắk Lắk xem xét xử phạt chủ cơ sở bánh mì Cô Dung địa chỉ tại khu vực ngã tư đường Phan Chu Trinh – Hoàng Diệu (TP Buôn Ma Thuột) tổng số tiền 82,5 triệu đồng.

Theo lãnh đạo Phòng Y tế, các hành vi bị đề nghị xử phạt gồm: chế biến, bán thực phẩm không đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; sử dụng dụng cụ chế biến, chứa đựng, tiếp xúc với thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định; thức ăn không được che đậy, ngăn chặn bụi bẩn; người trực tiếp chế biến thực phẩm không đội mũ, đeo khẩu trang.

Trước hành vi vi phạm, Phòng Y tế TP Buôn Ma Thuột cũng đề xuất đình chỉ hoạt động kinh doanh quán bánh mì này trong vòng 3 tháng.

Trong các ngày 28 - 29.11, có hàng trăm người dân nhập viện ồ ạt sau khi ăn bánh mì Cô Dung tại ngã tư Phan Chu Trinh – Hoàng Diệu (TP Buôn Ma Thuột) với biểu hiện nôn ói, chóng mặt, đi cầu liên tục.

Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tiếp nhận báo cáo nhanh từ các bệnh viên trên địa bàn về việc hàng chục bệnh nhân nhập viện sau khi ăn bánh mì tại cùng 1 quán.

Đơn vị thành lập tổ công tác tới bệnh viện lấy các mẫu bệnh phẩm và lấy gần 20 mẫu thức ăn tại quán bánh mì Cô Dung.

Số người nhập viện lên đến 215 người được xác định do ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì tại tiệm này.

Cơ quan chức năng ngay sau đó đã tiến hành lấy mẫu thức ăn và mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân đưa đến Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên để kiểm tra. Kết quả cho thấy các nguyên liệu chế biến nhân bánh mì gồm: thịt heo, giò chả, nước sốt, bơ, hành phi đều nhiễm vi khuẩn Salmonella.

UBND TP Buôn Ma Thuột sẽ trình kế hoạch xử phạt tới tỉnh Đắk Lắk để lãnh đạo tỉnh có chỉ đạo xử lý.

Theo chuyên gia dinh dưỡng, người ăn thức ăn đường phố sẽ có nguy cơ mắc các bệnh ung thư gan, tiêu chảy, viêm gan siêu vi A, sán tấn công.

Thức ăn vỉa hè luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh vì không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tác nhân chính gây ô nhiễm thức ăn đường phố thường là vi sinh vật gây bệnh, hóa chất độc hại từ nguyên liệu, phụ gia thực phẩm; nguồn nước để chế biến không đảm bảo vệ sinh.

TH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/suc-khoe/de-nghi-phat-tren-80-trieu-dong-quan-banh-mi-khien-200-nguoi-ngo-doc-646753.ldo