Đề nghị lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)

Ngày 8-8, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc Phiên họp thứ 26. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu bật những nội dung chính mà UBTVQH sẽ tiến hành tại phiên họp này. Ngoài chương trình như dự kiến ban đầu, UBTVQH quyết định bổ sung nội dung cho ý kiến với dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng của đơn vị mới thành lập thuộc Bộ Quốc phòng vào chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 26 của UBTVQH.

* Chiều 8-8, với sự điều hành của Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Trước đó, dự án đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ năm với tên gọi là dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan đã tiếp thu, chỉnh lý, mở rộng phạm vi sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục và đổi tên dự án thành dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Phát biểu về nội dung này, các ủy viên UBTVQH hoan nghênh tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan hữu quan để có hồ sơ trình UBTVQH về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) tại phiên họp này.

Một trong những nội dung dành được sự quan tâm đặc biệt của UBTVQH là việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Đa số ý kiến cho rằng, việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là cần thiết, bởi tổ chức thi thì học sinh mới chú ý học và chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi. Việc không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ khó bảo đảm chất lượng dạy và học ở bậc THPT.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, qua những hiện tượng tiêu cực đã được phát hiện tại kỳ thi vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rút kinh nghiệm để khắc phục những tồn tại, bất cập, qua đó tổ chức những kỳ thi sau nghiêm túc, hiệu quả hơn. Cho rằng kỳ thi tuyển sinh đại học trước đây được tổ chức rất nghiêm túc, có chất lượng cao, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu kinh nghiệm tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học trước đây để áp dụng vào kỳ thi THPT quốc gia. Có ý kiến đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới, lấy ý kiến các chuyên gia để hoàn thiện quy trình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.

Bên cạnh đó, các ủy viên UBTVQH cũng cho ý kiến về vấn đề dạy và học trước khai giảng ở các trường học, đến cuối năm học lại xảy ra tình trạng học sinh và giáo viên lên lớp chỉ ngồi chơi chờ bế giảng vì đã dạy xong chương trình; vấn đề hệ thống giáo dục quốc dân và tên gọi của các cấp học; sự mất cân bằng trong đào tạo sinh viên ngành sư phạm; về chính sách nhà giáo; xã hội hóa giáo dục và phân biệt giữa nguồn lực đầu tư kinh doanh đơn thuần trong lĩnh vực giáo dục với nguồn lực của Nhà nước, xã hội đầu tư cho giáo dục; chính sách miễn, giảm học phí; chính sách cử tuyển; việc phổ cập giáo dục; trách nhiệm của địa phương trong việc bảo đảm đúng tỷ lệ chi 20% ngân sách cho giáo dục; tính ổn định của giáo dục; các vấn đề liên quan tới sách giáo khoa…

Các ý kiến cũng nhấn mạnh đến việc nâng cấp dự án từ sửa đổi, bổ sung một số điều thành dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) đòi hỏi hồ sơ cũng phải được bảo đảm ở tầm mức tương xứng, nhất là công tác đánh giá tác động, rà soát bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đặc biệt, do tính chất quan trọng của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và việc sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục sẽ có tác động tới từng gia đình, người dân, nhiều ý kiến đề nghị tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự án luật, tiến hành các bước trong quy trình sửa đổi luật một cách cẩn trọng để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao và bảo đảm tính khả thi sau khi luật được thông qua.

UBTVQH cũng thống nhất sẽ chưa trình Quốc hội thông qua dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ sáu để cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiến hành các bước một cách thận trọng, chặt chẽ.

* Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đặc xá (sửa đổi); cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Ngày 9-8, UBTVQH tiếp tục làm việc.

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/de-nghi-lay-y-kien-nhan-dan-ve-du-an-luat-giao-duc-sua-doi-546379