Đề nghị làm rõ hồ sơ điều chỉnh BOT Phan Thiết - Đồng Nai

Bộ KH-ĐT vừa yêu cầu Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) giải trình, làm rõ hồ sơ điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) dự án Đầu tư xây dựng công trình cải tạo nền, mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Phan Thiết – Đồng Nai theo hình thức hợp đồng BOT.

Trước đó, Bộ GT-VT và Tổng công ty 319 đã điều chỉnh thiết kế cơ sở dự án từ năm 2014, thay đổi phạm vi, quy mô đầu tư, điều chỉnh tổng vốn đầu tư, thời gian hoạt động dự án. Nhưng đến nay, sau 4 năm nhà đầu tư mới đề nghị điều chỉnh GCNĐT là chưa phù hợp với quy định của Chính phủ về đầu tư BOT, BTO, BT. Bộ KH-ĐT cũng đề nghị Bộ GT-VT và nhà đầu tư giải trình, làm rõ các nội dung triển khai thực hiện dự án chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư (Nghị định 50/2016/NĐ-CP), việc không đáp ứng, hoặc đáp ứng không đầy đủ các điều kiện triển khai dự án, triển khai thực hiện dự án khi chưa được cấp GCNĐT là hành vi vi phạm bị xử phạt hành chính.

Hơn nữa, hồ sơ điều chỉnh dự án cũng có nhiều điểm cần làm rõ, Bộ KH-ĐT đã yêu cầu Tổng công ty 319 làm rõ việc giảm 11,75km đường so với quy mô dự án được ghi trong GCNĐT số 57 được Bộ KH-ĐT cấp năm 2013 và Hợp đồng BOT số 11656/HĐ.BOT-BGTVT.

Khi cho ý kiến về tổng mức đầu tư dự án, Bộ Xây dựng cũng yêu cầu phía Bộ GT-VT và Tổng công ty 319 làm rõ việc tính tổng mức đầu tư và phương án tài chính của dự án có một số nội dung chưa chính xác, chưa phù hợp như tính sai chi phí đất đắp, vận dụng định mức trong lắp đặt dải phân cách chưa phù hợp, tỷ lệ lạm phát bình quân hàng năm tính toán chưa sát với thực tế, phương án tài chính dự án không tính phần thuế thu nhập doanh nghiệp… Việc thay đổi cơ cấu nguồn vốn đối với phần vốn đã thực hiện (1.803,5 tỷ đồng) dự án BOT Phan Thiết - Đồng Nai so với GCNĐT; và cơ sở để tăng vốn đầu tư 199 tỷ đồng cũng được các bộ, ngành yêu cầu làm rõ.

Cũng liên quan đến đề nghị điều chỉnh GCNĐT dự án BOT Phan Thiết - Đồng Nai, Bộ KH-ĐT cho rằng so với GCNĐT được cấp lần đầu, nội dung thực hiện dự án còn có một số thay đổi khác như diện tích sử dụng đất, tiến độ thực hiện, thời gian thu giá sử dụng dịch vụ sử dụng đường bộ để hoàn vốn. Đồng thời, nhà đầu tư cần làm rõ hiện trạng sử dụng đất khu vực. Bên cạnh đó, cần làm rõ hiện trạng sử dụng đất khu vực dự kiến thực hiện dự án, sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương đã được phê duyệt.

Dự án đã bắt đầu thu phí từ ngày 1-3-2015, do đó Bộ KH-ĐT đề nghị chủ đầu tư bổ sung đánh giá tình hình khai thác dự án, lưu lượng xe thực tế, doanh thu thực tế so với phương án tài chính, chính sách thu giá…; tình hình vay, trả nợ ngân hàng đến thời điểm hiện tại, khả năng bảo đảm trả đầy đủ nợ gốc, lãi ngân hàng trong thời gian tới.

Đăng Tuân

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/quy-hoach-do-thi/de-nghi-lam-ro-ho-so-dieu-chinh-bot-phan-thiet-dong-nai-55262.html