Đề nghị làm rõ cơ sở tăng giá xăng, điện

Ngày 20/5, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội.

Kinh tế vĩ mô chưa ổn định, vững chắc

Sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019.

Báo cáo cho biết, chúng ta đã đạt và vượt 12 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2018, trong đó 3 chỉ tiêu đạt, 9 chỉ tiêu vượt và nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn số đã báo cáo Quốc hội.

Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08% (đã báo cáo trên 6,7%), cao nhất kể từ năm 2008, thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. GDP bình quân đầu người đạt 2.590 USD, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; chất lượng tăng trưởng được cải thiện.

Trong những tháng đầu năm 2019, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,71%, thấp nhất trong 3 năm qua. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt kỷ lục. Tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I đạt 6,79%. Xuất khẩu 4 tháng đạt 78,8 tỷ USD, tăng 5,8%; xuất siêu 711 triệu USD…

Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí được triển khai quyết liệt; ban hành và chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, được dư luận đồng tình ủng hộ, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân.

Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV

Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV

Bên cạnh đó, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc do giá dầu thô, xung đột thương mại, căng thẳng địa chính trị ở nhiều nơi diễn biến bất ổn, khó lường. Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều bộ, ngành, địa phương còn chậm. Cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN chưa đáp ứng yêu cầu. Xử lý dự án yếu kém, thua lỗ còn khó khăn.

Đổi mới giáo dục đào tạo vẫn còn bất cậ, chưa xử lý hiệu quả tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Còn những hành vi, vi phạm về đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường, dâm ô trẻ em và biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, gian lận thi cử, lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng... gây bức xúc xã hội. Xảy ra nhiều vụ trẻ em bị tai nạn, thương tích, đuối nước thương tâm. Xảy ra nhiều vụ việc vi phạm quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng rượu, bia, ma túy gây tai nạn giao thông, tội phạm nghiêm trọng.

Kỷ luật, kỷ cương thực thi công vụ ở nhiều cơ quan, đơn vị chưa nghiêm, phối hợp công tác hiệu quả chưa cao, còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng vặt của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa được ngăn chặn hiệu quả, tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp ở một số địa phương; còn nhiều vụ tai nạn giao thông, cháy nổ nghiêm trọng.

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm Chính phủ thực hiện trong thời gian tới gồm:

Một là, kiên định mục tiêu củng cố nền tảng vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.

Hai là, thực hiện quyết liệt cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh

Ba là, chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân

Bốn là, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu

Năm là, đẩy mạnh cải cách hành chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Sáu là, tăng cường quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế

Bảy là, chủ động đẩy mạnh thông tin và truyền thông; tăng cường công tác phối hợp giữa Chính phủ với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể.

Kết nối doanh nghiệp trong nước với FDI thiếu hiệu quả

Thẩm tra báo cáo nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ cần phân tích rõ hơn nguyên nhân khách quan, chủ quan của kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2018, trong đó đánh giá kỹ kết quả, đóng góp của ngành du lịch với tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nhà nước.

Một số ý kiến đề nghị cần đánh giá đầy đủ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan của việc một số khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất, kinh doanh mặc dù tăng so với năm 2017 nhưng vẫn không đạt dự toán và thấp hơn số liệu đã báo cáo Quốc hội.

Về hoạt động doanh nghiệp, ghi nhận mức gia tăng đáng kể cả về số lượng và quy mô vốn bình quân của doanh nghiệp thành lập mới; tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể tăng cao, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và lớn (quy mô vốn từ 50-100 tỷ và trên 100 tỷ đồng) và doanh nghiệp ở các vùng có điều kiện kinh tế- xã hội còn khó khăn. Bên cạnh đó, việc kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn thiếu hiệu quả, chưa tạo nên hiệu ứng lan tỏa tích cực về công nghệ và tạo ra năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/de-nghi-lam-ro-co-so-tang-gia-xang-dien-3380378/