Đề nghị không tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ

Qua xin ý kiến, tập thể người lao động Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nước sạch Hà Nội thống nhất đề xuất với Quốc hội và Ban soạn thảo xem xét không tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ như đề xuất trong Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi.

Bộ luật Lao động 2012 đang trong quá trình lấy ý kiến sửa đổi. Đây là Bộ luật thu hút được sự quan tâm rất lớn của dư luận, đặc biệt là công nhân, viên chức, lao động.

Bà Phạm Thị Vân Hương - Chủ tịch Công đoàn Công ty Nước sạch Hà Nội nêu ý kiến của tập thể người lao động góp ý vào dự thảo Luật.

Bà Phạm Thị Vân Hương - Chủ tịch Công đoàn Công ty Nước sạch Hà Nội nêu ý kiến của tập thể người lao động góp ý vào dự thảo Luật.

Nhằm kịp thời ghi nhận ý kiến từ những đối tượng chịu sự điều chỉnh của Bộ luật trước kỳ họp Quốc hội sắp tới (dự kiến Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, diễn ra từ tháng 10 đến tháng 11/2019), ngày 8/10, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của cán bộ công đoàn các cấp, và công nhân, viên chức, lao động Thủ đô, góp ý vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Thay mặt tập thể người lao động công ty, bà Phạm Thị Vân Hương - Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nước sạch Hà Nội (Công ty Nước sạch Hà Nội) cho biết: Công đoàn Công ty hiện có 35 đầu mối với nhiều mô hình như: Công đoàn bộ phận, Công đoàn cơ sở thành viên, tổ Công đoàn trực thuộc với trên 2.700 đoàn viên công đoàn. Trong đó, riêng tại Công ty Mẹ có 2.100 đoàn viên. Hiện, các chế độ, chính sách cho mọi người lao động tại công ty đều đảm bảo, nhất là đối với lao động nữ.

“Là cán bộ Công đoàn chuyên trách, việc cùng bàn bạc để làm sao người lao động được đảm bảo quyền lợi tốt nhất trong lần điều chỉnh Luật tới đây là hoạt động thiết thực, thể hiện rõ quyền và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn. Những thay đổi của Bộ luật Lao động sau này sẽ là cơ sở để soi chiếu thực hiện, cũng như đảm bảo chính sách, chế độ, quyền lợi cho người lao động.

Vì vậy, Công đoàn công ty đã tổ chức lấy ý kiến từ lãnh đạo doanh nghiệp, các bộ phận đến người lao động trong công ty. Về cơ bản, các ý kiến đóng góp đều đồng tình với quan điểm Liên đoàn Lao động thành phố đưa ra”, bà Vân Hương cho biết.

Trao đổi cụ thể hơn về từng vấn đề, bà Hương cho biết: Về đề xuất giảm thời giờ làm việc, thời gian nghỉ ngơi, hiện tại Công ty Nước sạch Hà Nội đang thực hiện 44 giờ làm việc/tuần.

Tại Hội nghị người lao động mới đây, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty đã đề ra mục tiêu trong năm 2020 sẽ tiếp tục đề nghị với lãnh đạo công ty giảm giờ làm cho khối gián tiếp về 40 giờ/tuần, có nghĩa là sẽ không làm việc vào sáng thứ Bảy nữa (bà Hương cho biết khối lao động gián tiếp tại công ty hiện có hơn 400 lao động/2.100 lao động).

Bà Phạm Thị Vân Hương thăm hỏi người lao động về điều kiện làm việc

Liên quan đến thời giờ làm việc và thời gian nghỉ ngơi (Điều 105; 107; 112): Khoản 2 Điều 105, đại đa số ý kiến công nhân, viên chức, lao động Thủ đô đều đề nghị giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động từ “48 giờ trong một tuần” xuống còn “44 giờ trong một tuần”.

Về vấn đề tăng thêm ngày nghỉ cho người lao động, bà Hương khẳng định: Việc tăng thêm 3 ngày nghỉ/năm như đề xuất của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội là quá thiết thực với người lao động, vì người lao động cần thêm ngày nghỉ để có thời gian tái tạo sức lao động.

Bày tỏ quan điểm đồng tình với phương án 2, nghĩa là tăng thêm 1 ngày nghỉ vào dịp Tết Dương lịch và 2 ngày nghỉ vào dịp Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), bà Vân Hương cho rằng: Có thêm thời gian chăm lo, vun vén hạnh phúc gia đình rất quan trọng đối với người lao động, nhất là trong cuộc sống hiện đại, bận rộn và gấp gáp như hiện nay.

Về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 tuổi như trong Dự thảo Luật, bà Hương dẫn chứng: Tại Công ty Nước sạch Hà Nội hiện có 42% là lao động nữ/2.100 lao động, trong đó lao động nữ gián tiếp chiếm 11,3%, số lao động nữ là công nhân các ngành nghề chiếm 27,8%, làm những việc như công nhân vận hành bơm, công nhân vệ sinh công nghiệp… khá vất vả. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu, họ sẽ không đủ sức khỏe để đảm bảo công việc.

“Quan điểm của công ty và tập thể người lao động trong công ty chúng tôi là không đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu, vì những người lao động trực tiếp, làm việc quá vất vả. Trường hợp nếu tăng, chúng tôi đề nghị cần có lựa chọn đối với từng đối tượng và có lộ trình cụ thể”, bà Hương nhấn mạnh.

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/de-nghi-khong-tang-tuoi-nghi-huu-doi-voi-lao-dong-nu-97632.html