Đề nghị không tách riêng bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập

UBTVQH đề nghị bỏ khoản 6 Điều 5 và khoản 2 Điều 6 của dự thảo Luật đã trình Quốc hội và chỉnh lý, bổ sung quy định về tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập…

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày trước Quốc hội sáng nay (28/5) đã xin bỏ khoản 6 Điều 5 và khoản 2 Điều 6 của dự thảo Luật đã trình Quốc hội và chỉnh lý, bổ sung quy định về tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập.

 Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải

Giải trình về đề nghị này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, về việc tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập (Điều 5), quá trình lấy ý kiến cho thấy, một số ý kiến ĐBQH đề nghị không tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. Trường hợp cần thiết phải tách riêng đối với dự án đầu tư công cụ thể thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định của Luật Xây dựng, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng của dự án. Việc phân chia dự án thành phần được quy định trong nội dung quyết định đầu tư và được áp dụng với dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A.

Do vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH và đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật có liên quan, UBTVQH xin được bỏ khoản 6 Điều 5 và khoản 2 Điều 6 của dự thảo Luật đã trình Quốc hội và chỉnh lý, bổ sung quy định về tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập chỉ trong trường hợp thật cần thiết với dự án từ nhóm A trở lên.

Theo đó, bổ sung tại khoản 1 Điều 5 của dự thảo Luật mới quy định: “Trường hợp cần thiết tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, đối với dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội xem xét, quyết định; Thủ tướng Chính phủ, HĐND cấp tỉnh xem xét, quyết định việc tách riêng đối với dự án nhóm A thuộc thẩm quyền. Việc tách riêng được thực hiện khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án”.

Trường hợp dự án giải phóng mặt bằng là một dự án độc lập thì được quản lý theo quy định chung như các dự án khác.

Trước đó, cơ quan soạn thảo cho rằng, nếu tách việc bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập tại thời điểm trước khi quyết định chủ trương đầu tư sẽ tạo thuận lợi để triển khai dự án ngay sau khi có quyết định đầu tư. Vì vậy, đề nghị quy định theo hướng tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập.

Tuy nhiên, báo cáo về phương án giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn và nội dung còn ý kiến khác nhau về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công của Ủy ban Tài chính ngân sách cho thấy, nhiều ý kiến trong Ủy ban này cho rằng, việc quy định về dự án bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư công là chưa hợp lý.

Cụ thể, nếu tách riêng công tác này để bố trí vốn đầu tư công có thể sẽ dẫn đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng xong không đủ nguồn lực để thực hiện dự án vì không nhìn được tổng thể nhu cầu nguồn lực, hoặc dự án không được phê duyệt, dẫn đến tình trạng “dự án treo”, lãng phí nguồn lực và dễ gây bức xúc trong nhân dân.

Đối với các trường hợp đặc thù, trong quá trình tổ chức thực hiện dự án mà cần thiết phải tách riêng khâu đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện trước, căn cứ vào tình hình cụ thể, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định.

Do đó, ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị không quy định dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng là dự án đầu tư công độc lập. Trong trường hợp dự án đặc biệt cần thiết, Chính phủ có thể trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định, song, dự thảo luật cần quy định những điều kiện, tính đặc thù của loại dự án này.

Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cho rằng việc bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng là vấn đề phức tạp. Nếu tách việc bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập tại thời điểm trước khi quyết định chủ trương đầu tư sẽ tạo thuận lợi để triển khai dự án ngay sau khi có quyết định đầu tư. Vì vậy, đề nghị quy định theo hướng tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201905/de-nghi-khong-tach-rieng-boi-thuong-giai-phong-mat-bang-thanh-du-an-doc-lap-634021/