'Đề nghị không nên quy định diện tích nhà ở tối thiểu là điều kiện đăng ký thường trú...'

'Đề nghị không nên quy định diện tích nhà ở tối thiểu là điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ vì không bảo đảm bình đẳng về quyền có điều kiện sống thiết yếu giữa người thuê, mượn, ở nhờ nhà với người đăng ký thường trú theo diện sở hữu nhà ở hoặc chuyển về ở cùng người thân', đại biểu Quốc hội đề nghị.

Ngày 21-10, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã trình bày trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Theo đó, so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý tại 42 Điều. Trong phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung vào 5 nội dung do có nhiều ý kiến khác nhau.

Cụ thể, tại Điều 19, về nơi cư trú và quản lý cư trú đối với người không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú. Về nội dung này, một số ý kiến đề nghị cần có quy định để quản lý những người không có nơi cư trú ổn định; bổ sung quy định để đăng ký, quản lý cư trú đối với người dân di cư tự do, nhất là đối với người dân tộc thiểu số du canh, du cư ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên. Một số ý kiến băn khoăn về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thực hiện chính sách, bảo đảm an sinh xã hội đối với các đối tượng này.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (An Giang) cho rằng, việc có những điều kiện riêng cho các TP trực thuộc Trung ương là không cần thiết. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (An Giang) cho rằng, việc có những điều kiện riêng cho các TP trực thuộc Trung ương là không cần thiết. Ảnh: Quốc hội

Băn khoăn về Điều 20, về điều kiện đăng ký thường trú, đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) chỉ rõ tại điểm b, khoản 3, người đăng ký thường trú phải đảm bảo hai điều kiện: Một là đảm bảo diện tích nhà không thấp hơn 0,8m2/người, hai là thời gian đăng ký tạm trú trong cùng phạm vi cấp tỉnh, T.Ư phải từ 1 năm trở lên. Như vậy, việc lấy diện tích nhà làm điều kiện để đăng ký tạm trú là không đảm bảo bình đẳng giữa đối tượng này với đối tượng có nhà ở. Thay vào đó, theo bà Lan, Quốc hội nên xem xét lại về thời gian tạm trú ít nhất là 1 năm để làm căn cứ để xem xét điều kiện đăng ký thường trú.

Cũng quan tâm đến quy định về điều kiện đăng ký thường trú, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (An Giang) cho rằng, việc có những điều kiện riêng cho các TP trực thuộc T.Ư là không cần thiết. Việc đặt ra những quy định riêng này sẽ hạn chế quyền tự do cư trú của công dân, tác động đến quyền, lợi ích hợp pháp của một bộ phận dân sinh sống và làm việc của các công dân đang ở các TP lớn.

Đồng thời việc áp dụng những điều kiện đăng ký thường trú thời gian qua cũng cho thấy chính sách này cũng chưa thực sự hiệu quả vì chỉ hạn chế được số lượng người đăng ký thường trú chứ không hạn chế được việc người đến làm việc, học tập, sinh sống thực tế tại các TP lớn nhưng không đủ điều kiện đăng ký thường trú. Vì các TP là nơi có cơ hội tìm kiếm việc làm, thu nhập tốt hơn.

Đại biểu Thủy tán thành quy định một trong các điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ là phải bảo đảm diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người. Bởi theo bà, trên thực tế không chỉ ở các phường, quận nội đô, mà cả ở các huyện, ngoại thành hiện đang có những biến động dân số rất lớn bởi số dân đến thuê, trọ. Hiện có tình trạng có nhiều địa phương số người đăng ký tạm trú còn nhiều hơn số người đăng ký thường trú.

Tại Điều 27, về điều kiện đăng ký tạm trú. Nhiều ý kiến còn băn khoăn về quy định công dân chỉ được đăng ký tạm trú khi được người có nhà ở cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý.

Đại biểu Rơ Mah Tuấn, Gia Lai không đồng tình với ý kiến của đa phần đại biểu đề nghị không quy định điều kiện đăng ký tạm trú là phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhà đồng ý. Ông cho rằng, như thế sẽ cản trở quyền đăng ký của công dân. Hơn nữa, nó còn ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý cư trú của các cơ quan Nhà nước. Khi đồng ý cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ thì chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đã đương nhiên chấp nhận cho người thuê, mượn, ở nhờ được sinh sống thường xuyên ở chỗ ở đó.

Về thủ tục đăng ký tạm trú, Điều 28, đại biểu Hà Thị Lan, Bắc Giang có ý kiến đề nghị cần tiếp tục quy định về thời hạn tạm trú, thủ tục gia hạn tạm trú như đang quy định trong Luật hiện hành.

Theo bà, quy định về thời hạn tạm trú và quy định gia hạn nếu có nhu cầu đảm bảo việc quản lý nơi đăng ký tạm trú của công dân của cơ quan chức năng được thuận lợi, nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường người lao động thường di chuyển để tìm việc làm, học tập và thay đổi nơi công tác.

Tuy nhiên để đáp ứng được việc này, thủ tục gia hạn cũng phải đơn giản và gọn nhẹ, ví như cần điều chỉnh thời gian giải quyết việc gia hạn tạm trú của cơ quan chức năng từ 3 ngày xuống còn 2 ngày, đồng thời việc đăng ký gia hạn của công dân có thể điều chỉnh từ 30 ngày xuống còn 15 ngày.

Hầu hết mọi ý kiến đều đồng tình Điều 38, về điều khoản thi hành, đa số ý kiến đều tán thành với việc cần chuyển đổi sang phương thức quản lý cư trú mới và nhất trí quy định Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021 như đề xuất và cam kết của Chính phủ. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến đề nghị trong Luật cần có một số quy định có tính chất chuyển tiếp phù hợp để bảo đảm sự thích ứng kịp thời của các cơ quan Nhà nước có liên quan, tránh làm phát sinh thêm thủ tục, gây khó khăn, phiền hà cho người dân.

Ngọc Dung

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/de-nghi-khong-nen-quy-dinh-dien-tich-nha-o-toi-thieu-la-dieu-kien-dang-ky-thuong-tru-214512.html