Đề nghị hai công ty liên đới cũng phải bồi thường cho nữ tiếp viên hàng không bị tông xe

Nữ tiếp viên hàng không đã kháng cáo bản án sơ thẩm, yêu cầu tăng án với bị cáo Phong và buộc hai Công ty cho thuê xe phải chịu liên đới cùng bị cáo bồi thường

 Chị Bích Hường đã kháng cáo bản án sơ thẩm được tuyên ngày 26/12. Ảnh: NN

Chị Bích Hường đã kháng cáo bản án sơ thẩm được tuyên ngày 26/12. Ảnh: NN

"Thân chủ của tôi, chị Nguyễn Thị Bích Hường, 1 trong 2 bị hại trong vụ bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong lái xe Mercedes gây tai nạn, đã kháng cáo bản án sơ thẩm vào sáng nay", luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Đoàn Luật sư TPHCM trao đổi với phóng viên báo PNVN.

Nạn nhân Nguyễn Thị Bích Hường và luật sư Trần Thị Ngọc Nữ tới phiên sơ thẩm ngày 16/12. Ảnh: N.N

Trong đơn kháng cáo, nạn nhân Nguyễn Thị Bích Hường cho biết đối với phần hình sự mức hình phạt đối với bị cáo Phong là chưa phù hợp, chưa tương ứng với hành vi, hậu quả mà bị cáo đã gây ra. Mức hình phạt như vậy là quá nhẹ. Chị Bích Hường kháng cáo đề nghị tăng hình phạt đối với Nguyễn Trần Hoàng Phong.

Đối với phần dân sự, bản án sơ thẩm tuyên bị cáo phải bồi thường cho nạn nhân Bích Hường số tiền hơn 1,4 tỉ đồng là phù hợp. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm chỉ buộc bị cáo Phong bồi thường là chưa đúng.

"Việc giao chiếc xe Mercedes cho bị cáo sử dụng gây tai nạn còn liên quan đến Công ty TNHH TM Du lịch Vận tải Khang Gia và Công ty TNHH Fumita. Vì vậy, 2 công ty này phải cùng có trách nhiệm liên đới cùng bị cáo bồi thường cho những tổn thất của 2 bị hại", chị Bích Hường cho biết.

Theo đơn kháng cáo, nguồn gốc chiếc xe Mercedes Phong điều khiển gây tai nạn là của ông Võ Văn Phúc cho Công ty Fumita thuê. Hiện chưa xác minh việc ông Phúc có cho công ty Fumita thuê xe hay không, bởi ông Phúc là cha ruột của ông Minh - người đại diện theo pháp luật của công ty Fumita - nên việc cho thuê xe chỉ nói miệng, không lập hợp đồng cho thuê.

Chị Bích Hường đã phải trải qua nhiều ca phẫu thuật sau tai nạn, hiện không thể đi làm. Ảnh: NN

"Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án lại có hợp đồng thuê xe giữa ông Phúc với ông Minh. Vậy hợp đồng này có phải là ký giả sau khi tai nạn xảy ra để chứng minh có việc cho thuê xe giữa ông Phúc với Công ty Fumita hay không?", kháng cáo của chị Hường đưa ra nghi vấn.

Tại tòa, theo lời trình bày của phía ông Phúc thì công ty Fumita khi thuê xe chỉ được quyền quản lý và sử dụng, không được cho thuê lại chiếc xe này. Trong hợp đồng cho thuê xe cũng không có nội dung Công ty Fumita không có quyền cho thuê lại. Thế nhưng Công ty Fumita lại đem chiếc xe Mercedes cho phía công ty Khang Gia thuê.

"Mặt khác trong hồ sơ vụ án, hợp đồng thuê xe giữa công ty Fumita và công ty Khang Gia chỉ đóng dấu, không có chữ ký của người đại diện công ty Fumita. Do đó, hợp đồng này không có giá trị pháp lý", chị Bích Hường nêu lý do để khẳng định lập luận của mình. Theo đơn kháng cáo, 2 công ty này đều không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp, hồ sơ báo cáo thuế… để chứng minh có việc thanh toán tiền đối với giao dịch thuê xe.

"Khi công ty Khang Gia cho bị cáo Phong thuê xe Mercedes đã không yêu cầu Phong xuất trình bằng lái xe nhưng vẫn đồng ý cho Phong thuê xe. Công ty Khang Gia cũng không kiểm tra việc công ty Futima có quyền cho mình thuê xe hay không. Công ty Khang Gia cũng không có chức năng ngành nghề được phép cho thuê xe nhưng vẫn cho bị cáo thuê xe. Trong các hợp đồng cho thuê xe giữa công ty Khang Gia có dấu hiệu giả mạo nhưng tòa sơ thẩm chưa làm rõ, không tiến hành giám định chữ ký khiến việc đánh giá chứng cứ chưa toàn diện", chị Bích Hường đưa lập luận.

Vì các lý do này mà cả phía công ty Fumita và công ty Khang Gia đều có lỗi trong việc giao xe cho bị cáo Phong điều khiển, các bên phải cùng liên đới chịu trách nhiệm bồi thường là phù hợp.

Chị Bích Hường cũng nêu trong kháng cáo: "Khi gây tai nạn, Phong bị bắt tạm giam nhưng đã cùng mẹ, công chứng viên… làm thủ tục cho bị cáo bán căn hộ, sang tên căn hộ của bị cáo sang cho mẹ nhằm mục đích là tẩu tán tài sản, để bị cáo không phải bồi thường cho tôi sau này. Việc này là trái pháp luật, nhưng Tòa án án không thu thập chứng cứ này, không áp dụng biện pháp cưỡng chế là kê biên tài sản là căn nhà, để đảm bảo việc thi hành án sau này là không phù hợp".

Chiều 16/12, TAND Q. Phú Nhuận, TPHCM đã tuyên án đối với Nguyễn Trần Hoàng Phong, 32 tuổi, ngụ tại Q. Gò Vấp, là tài xế chạy chiếc Mercedes với tốc độ 84km/h tông nữ tiếp viên hàng không bị thương tật 79% và tài xế GrabBike tử vong. Tài xế xe ô tô không có bằng lái, và sử dụng bằng lái xe giả.

Phong bị tòa tuyên 7 năm 6 tháng tù giam, buộc bồi thường cho nữ tiếp viên hàng không Nguyễn Thị Bích Hường, 30 tuổi hơn 1,4 tỉ đồng và gia đình tài xế Grabike Lê Mạnh Thường, 64 tuổi hơn 400 triệu đồng.

Đinh Thu Hiền

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/de-nghi-hai-cong-ty-lien-doi-cung-phai-boi-thuong-cho-nu-tiep-vien-hang-khong-bi-tong-xe-20201221162725604.htm