Nghiên cứu sửa Luật Thuế xuất, nhập khẩu để gỡ vướng mắc

Được áp dụng từ năm 2016, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã góp phần đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho người nộp thuế; góp phần cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, từ thực tế đang ghi nhận một số bất cập cần được đánh giá lại.

Khuyến khích sản xuất hàng xuất khẩu

Có một điều có thể nhận định rằng, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (gọi tắt là Luật Thuế xuất nhập khẩu – XNK) đã tạo khuôn khổ pháp lý, góp phần quan trọng trong thực hiện đường lối chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, tháo gỡ khó khăn, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, nhận thức rõ về quyền lợi và nghĩa vụ của người nộp thuế, cũng như việc đề cao tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của người nộp thuế; đồng thời tạo điều kiện để khuyến khích sản xuất hàng xuất khẩu, bảo hộ sản xuất trong nước, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, cũng như góp phần hỗ trợ lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, y tế phát triển.

Chính sách thuế góp phần bảo hộ hợp lý, có điều kiện, có chọn lọc đối với một số nhóm mặt hàng, ngành nghề phù hợp với tiến trình hội nhập và định hướng phát triển của Nhà nước, như: quy định áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với các mặt hàng như muối, thuốc lá nguyên liệu, trứng gia cầm; áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (biện pháp chống bán phá giá, biện pháp tự vệ, chống trợ cấp) đối với một số sản phẩm như bột ngọt, đường mía, sản phẩm phân bón...

Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Hồng Vân

Nhiều quy định mang tính chất tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được đánh giá cao như: quy định chuyển hàng hóa là nguyên liệu, vật tư nhập để sản xuất hàng xuất khẩu từ đối tượng phải nộp thuế khi nhập khẩu, được hoàn thuế khi nhập khẩu sang đối tượng miễn thuế để khuyến khích sản xuất hàng xuất khẩu; chuyển hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất từ đối tượng chịu thuế ở khâu nhập khẩu và thực hiện hoàn thuế khi xuất khẩu sang đối tượng miễn thuế có điều kiện về bảo lãnh, đặt cọc phù hợp với thông lệ quốc tế...

Ghi nhận tại hải quan địa phương cho thấy, trên cơ sở quy định đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế tại Điều 2 Luật Thuế XNK, trong quá trình triển khai thực hiện, người khai hải quan đều tự kê khai và xác định đúng các trường hợp không chịu thuế. Thủ tục, hồ sơ và các tiêu chí để xác định đối tượng không chịu thuế cơ bản rõ ràng, dễ xác định.

Luật Thuế XNK cũng quy định người nộp thuế được ủy quyền cho tổ chức, cá nhân bảo lãnh và nộp thuế thay. Đây là một quy định linh hoạt và tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.

Đồng thời, nguyên tắc ban hành biểu thuế, thuế suất đã khắc phục được những nhược điểm trước đây: đối với những mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu thì có mức thuế suất cao, các mặt hàng là nguyên liệu luôn có mức thuế suất thấp hơn mức thuế suất của thành phẩm đã góp phần phát triển, bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, việc thu gọn các mức thuế, dòng thuế đảm bảo đơn giản, thuận lợi cho cải cách thủ tục hành chính, phù hợp với cam kết hội nhập.

Thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ, miễn thuế cũng phát huy những lợi ích, tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Đơn cử như việc kê khai miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu để gia công, sản phẩm gia công xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện đúng quy định tại luật. Các quy định miễn thuế rõ ràng, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Tiếp tục bổ sung phù hợp thực tiễn

Mặc dù Luật Thuế XNK đã mang lại nhiều lợi ích trong hoạt động XNK, nhưng sau gần 6 năm triển khai, một số nội dung quy định tại Luật Thuế XNK đã không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và quy định của hệ thống pháp luật liên quan như: Luật Quản lý thuế số 38, Nghị định 126/2020/NĐ-CP; Nghị định 18/2021/NĐ-CP... do đó cần sửa đổi, bổ sung để góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, thống nhất.

Về thời hạn nộp thuế, việc quy định thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế là trước khi thông quan, hoặc giải phóng hàng đã hạn chế phát sinh nợ thuế. Tuy nhiên, chưa có quy định về thời hạn nộp thuế đối với trường hợp mang hàng về bảo quản.

Trong bản kiến nghị gửi về Tổng cục Hải quan mới đây, cơ quan hải quan một số địa phương kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung một số quy định để góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, thống nhất với văn bản pháp luật liên quan; đồng thời khắc phục các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.

Chẳng hạn, về thuế suất đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quy định như hiện hành đã tạo thuận lợi, minh bạch, rõ ràng trong việc khai báo và xác định thuế suất hàng hóa. Tại Điều 5 Luật Thuế XNK hiện hành chưa quy định về thuế suất thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu tại chỗ, do đó, cần bổ sung nội dung này tại Điều 5 theo hướng kế thừa các quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP.

Về thời hạn nộp thuế, việc quy định thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế là trước khi thông quan, hoặc giải phóng hàng đã hạn chế phát sinh nợ thuế. Tuy nhiên, chưa có quy định về thời hạn nộp thuế đối với trường hợp mang hàng về bảo quản.

Vấn đề này được Cục Hải quan Đà Nẵng dẫn giải cụ thể rằng: Hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, doanh nghiệp được đưa hàng hóa nhập khẩu về kho của doanh nghiệp để bảo quản trong khi chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành. Khi có kết luận của cơ quan quản lý chuyên ngành, doanh nghiệp nộp kết quả kiểm tra chuyên ngành đúng thời hạn quy định, nhưng chưa nộp thuế nên hàng hóa không được thông quan theo quy định pháp luật. Vì vậy, nhằm hạn chế việc lợi dụng của người khai hải quan và đảm bảo công tác quản lý, cơ quan này đề nghị bổ sung quy định nộp thuế trước khi mang hàng về bảo quản.

Các tồn tại phát sinh này đang được Tổng cục Hải quan tổng hợp để nghiên cứu, đánh giá.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nghien-cuu-sua-luat-thue-xuat-nhap-khau-de-go-vuong-mac-103788.html