Đề nghị dùng thiết bị bay để chống xâm hại bảo tồn biển

Tại hội nghị 'Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống khu bảo tồn biển (KBTB) Việt Nam nhằm phát triển bền vững kinh tế biển gắn với tăng trưởng xanh' tại Đà Nẵng mới đây, Tổng cục Thủy sản cho biết:

Từ năm 2015 đến 2019, tổng số vi phạm các quy định quản lý nhà nước liên quan đến công tác bảo tồn biển là 767 vụ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng con số vi phạm trên thực tế còn lớn hơn rất nhiều.

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ TN&MT), nhận định: Các vụ vi phạm xâm hại đến giá trị và chức năng của KBTB vẫn ở mức phức tạp. Số vụ vi phạm tăng, có khu ở mức nghiêm trọng và khó phát hiện, xử lý. Trong đó chủ yếu là các phương thức và ngư cụ khai thác mới mang tính hủy diệt, xâm hại đến nguồn lợi thủy sản, thậm chí ngay cả ở trong vùng lõi của KBTB.

“Có những bãi cạn giàu san hô và cỏ biển đã quy hoạch thuộc KBTB nhưng địa phương vẫn giao cho doanh nghiệp sử dụng. Họ không mặn mà với bảo tồn, thậm chí có địa phương coi việc bảo tồn như một vật cản việc ra các quyết định phát triển của họ” - ông Hồi nói.

PGS-TS Võ Sĩ Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cho hay: Trên thực tế, việc khai thác thủy sản trong các KBTB chưa được kiểm soát. Trong các vùng nước thuộc vùng bảo vệ nghiêm ngặt và phục hồi sinh thái vẫn còn tình trạng ngư dân vào khai thác với nhiều hình thức khác nhau như giã cào, lặn bắt sinh vật trên rạn, kể cả trên bãi triều.

“Về mức độ khai thác là khá thường xuyên với ghe giã cào, nhất là vào ban đêm. Với hình thức lặn đêm, thường không thống kê được vì các ghe lặn đậu ở ngoài xa và dùng ống thở dài để vào khai thác trong các rạn nên rất khó phát hiện” - ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, ngay cả các vùng KBTB giao cho doanh nghiệp quản lý, việc kiểm soát khai thác của ngư dân cũng chưa hiệu quả… Thực tế, giữa doanh nghiệp và ngư dân đã từng xảy ra xô xát, đối đầu nhau khi lực lượng bảo vệ cố gắng ngăn cản không cho ngư dân vào khai thác.

Đại diện tổ chức IUCN cho biết: Các KBTB nhìn chung ít được bảo vệ đúng nghĩa. Sự yếu kém rõ ràng trong chuỗi thực thi, bao gồm thiếu thẩm quyền của KBTB và thiếu sự có mặt của lực lượng thực thi trên biển (phần lớn do thiếu cán bộ và thiếu tàu). Bởi vậy, một trong những biện pháp cấp thiết mà tổ chức này đề nghị là dùng thiết bị bay không người lái để chụp ảnh các hành vi vi phạm trong khuôn khổ của KBTB, từ đó có hình thức xử phạt đích đáng.

“Đơn cử tại KBTB Cù Lao Chàm, ban quản lý và bộ đội biên phòng tổ chức tuần tra nhưng lại theo một lịch cố định. Bởi vậy các tàu đánh cá bất hợp pháp rất dễ trốn tránh. Miễn sao hoạt động đánh bắt diễn ra ngoài giờ làm việc thì sẽ không có khả năng bị bắt hay như lời của một ngư dân: “Chúng tôi không có sợ!”” - vị đại diện này nói thêm.

T.AN

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/moi-truong/de-nghi-dung-thiet-bi-bay-de-chong-xam-hai-bao-ton-bien-865372.html