Đề nghị đánh giá an toàn Rào Trăng 3: Làm nghiêm túc

Cần thành lập một Ủy ban điều tra độc lập để tìm cho ra sự thật, thông tin một cách khách quan, minh bạch, bảo đảm cho người dân yên tâm.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa có công văn yêu cầu Công ty cổ phần thủy điện Rào Trăng 3 dừng toàn bộ hoạt động xây dựng; phải phối hợp tìm kiếm người bị mất tích; hỗ trợ, giải quyết chế độ chính sách cho người bị nạn. Đồng thời, đề nghị Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) hỗ trợ đánh giá mức độ an toàn đối với khu vực nhà máy thuộc Dự án thủy điện Rào Trăng 3, do đoàn kiểm tra địa phương phát hiện nguy cơ mất an toàn rất cao tại khu vực nhà máy thuộc dự án thủy điện này.

thành lập một Ủy ban điều tra riêng biệt, độc lập, đủ thẩm quyền, đủ chuyên môn để tìm cho ra sự thật, thông tin một cách khách quan, minh bạch, bảo đảm cho người dân yên tâm nhưng cũng đồng thời để làm rõ những lợi - hại của thủy điện, tránh cho những chủ đầu tư làm thủy điện đúng nghĩa bị hàm oan, mang tiếng. Ảnh: TPO

thành lập một Ủy ban điều tra riêng biệt, độc lập, đủ thẩm quyền, đủ chuyên môn để tìm cho ra sự thật, thông tin một cách khách quan, minh bạch, bảo đảm cho người dân yên tâm nhưng cũng đồng thời để làm rõ những lợi - hại của thủy điện, tránh cho những chủ đầu tư làm thủy điện đúng nghĩa bị hàm oan, mang tiếng. Ảnh: TPO

Ông Lê Việt Trường - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng, đề nghị của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế là rất có trách nhiệm, Bộ Công thương và các cơ quan bộ ngành liên quan cần tiếp thu, lắng nghe và sớm có chỉ đạo để tránh những vụ sạt lở gây hậu quả thương tâm.

Ông Trường nhắc lại vấn đề phát triển thủy điện vừa và nhỏ từ lâu đã là nỗi lo, nỗi bất an đối với cử tri, người dân và Quốc hội cũng rất quan tâm.

Trong đó, quy hoạch thủy điện chính là một vấn đề gây nhiều bức xúc. Ông cho biết, quy hoạch thủy điện lâu nay còn dựa theo cảm tính mà chưa dựa trên các cơ sở, số liệu, nghiên cứu khoa học. Làm thủy điện mới chỉ tính xin được đất ở đâu, xây dự án thế nào, phát được ra bao nhiêu điện, có lãi hay không nhưng chưa tính toán hết những tác động tới môi trường, đời sống, xã hội cũng như những nguy cơ sạt lở do tác động từ thủy điện gây ra.

"Tôi từng làm việc tại một hội nghị và được nghe một cán bộ lãnh đạo thuộc sở công thương một địa phương cho biết, làm thủy điện nhỏ và vừa không có quy hoạch, mà chủ yếu là do nhà đầu tư làm việc với tỉnh, rồi tỉnh cùng doanh nghiệp đi khảo sát, lựa chọn địa điểm theo đề xuất của chủ đầu tư. Cũng có nhà đầu tư muốn phát triển thủy điện thật, nhưng cũng không ít nhà đầu tư lại chỉ nhắm tới khai thác gỗ, chặt phá rừng, thu được càng nhiều càng tốt. Đáng nói, sau buổi khảo sát đó thì dự án được đưa vào quy hoạch.

Nếu đây không phải chia sẻ của một cán bộ thực hiện chức năng quản lý chuyên môn tại địa phương nói ra thì tôi cũng không dám tin cách làm quy hoạch thủy điện nhỏ và vừa lại cảm tính như vậy", ông Trường kể lại.

Từ những tồn tại nêu trên, nguyên ĐBQH Khóa XIII cho rằng, đề nghị của Thừa Thiên - Huế chỉ là "cháy nhà ra mặt chuột", khi sự cố xảy ra, hậu quả để lại quá lớn thì người ta mới giật mình, mới thấy cần phải nhìn nhận vấn đề quy hoạch, xây dựng thủy điện một cách nghiêm túc hơn.

Do đó, đề nghị của Thừa Thiên - Huế là đáng ghi nhận, Bộ Công thương cần tiếp thu một cách nghiêm túc và khẩn trương thực hiện kiểm tra, đánh giá đối với dự án này vì việc đánh đổi về tài nguyên, sinh mạng con người với dự án là quá lớn.

Mặt khác, khi đề cập tới những cảnh báo của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản - Bộ TN-MT, từ năm 2019, rồi được nhắc lại hồi tháng 6/2020 đối với khu vực nhà máy thủy điện A Lin 1 - Rào Trăng 3 là khu vực có nguy cơ trượt lở đất đá cao nhưng dự án vẫn được thi công, ông Trường bày tỏ đặc biệt lo ngại.

"Rất cần phải xem xét trách nhiệm đến cùng, nghiêm túc trong vụ sạt lở vừa qua.

Việc đầu tiên là phải xác định cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho dự án là ai, cơ quan nào? Dự án đã đánh giá tác động môi trường như thế nào? Khi phê duyệt, cấp phép cho dự án những cảnh báo của các nhà khoa học đã được tiếp thu, lắng nghe ra sao?

Thừa Thiên - Huế có công văn gửi Bộ Công thương đánh giá mức độ an toàn của dự án là đáng hoan nghênh, tuy nhiên, cũng cần phải làm rõ dự án do địa phương cấp phép hay Bộ Công thương cấp phép, việc này phải làm rõ để việc xử lý trách nhiệm cũng rõ ràng, minh bạch hơn", ông Trường nói.

Về vấn đề kiểm tra, ông Lê Việt Trường cho rằng, sau sự việc nghiêm trọng xảy ra tại Rào Trăng 3 thì cơ quan chức năng cần đặt vấn đề thanh tra lại dự án này. Trên cơ sở đó sẽ kiến nghị thành lập một Ủy ban điều tra riêng biệt, độc lập, đủ thẩm quyền, đủ chuyên môn để tìm cho ra sự thật, thông tin một cách khách quan, minh bạch, bảo đảm cho người dân yên tâm nhưng cũng đồng thời để làm rõ những lợi - hại của thủy điện, tránh cho những chủ đầu tư làm thủy điện đúng nghĩa bị hàm oan, mang tiếng.

Còn với những chủ đầu tư xây dựng thủy điện không vì mục đích phát triển kinh tế, xã hội mà chỉ nhắm mục tiêu phá rừng, lấy gỗ, vì mục đích trục lợi riêng, nếu đủ căn cứ xác định sai phạm thì cần phải chuyển sang cơ quan điều tra, dừng lại toàn bộ dự án đồng thời truy tố trước pháp luật, không thể xuê xoa.

"Lớn hơn hết là xem xét những cảnh báo từ phía các nhà khoa học để đánh giá lại mức độ an toàn của dự án, nếu việc này không được thực hiện nghiêm túc, à uôm, cho qua thì không chỉ là vụ sạt lở kinh hoàng vừa qua mà sẽ có nguy cơ gây ra nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng nếu dự án tiếp tục được thực hiện trong tương lai. Vì thế, cần phải thanh tra, đánh giá rất nghiêm túc, thận trọng với dự án này", ông Trường cảnh báo.

Ngoài ra, ông cũng đề cập thêm tới những giải pháp khắc phục hậu quả về lâu dài, ví dụ như khi thủy điện không còn hiệu quả về kinh tế, dự án không còn khả năng khai thác, công trình lại xuống cấp, nguy hiểm... thì phải xử lý như thế nào, việc này ông chưa bao giờ thấy được đề cập tới trong phát triển thủy điện.

"Ở Mỹ, chỉ trong năm 2019 đã có 26 bang phá hủy 90 con đập để bảo vệ sinh thái và bảo đảm an toàn.

Có nhiều yếu tố kết hợp dẫn đến xu hướng phá đập như số đập cũ ngày một nhiều; mưa gió thường xuyên hơn và dữ dội hơn do biến đổi khí hậu; các công trình xây dựng ven sông nhiều hơn trước, nếu vỡ đập sẽ rất nguy hiểm.

Dỡ bỏ đập giúp sông ngòi chảy tự nhiên, từ đó cải thiện chất lượng nước, chống ngập lụt, bảo vệ môi trường sống của cá và động vật hoang dã, bảo vệ hệ sinh thái và nhu cầu giải trí... Mỹ họ làm quyết liệt như vậy.

Còn ở Việt Nam, tôi chưa thấy ai nói tới các giải pháp xử lý khi vòng đời của thủy điện đã hết, chúng ta sẽ phải xử lý các khối bô tông khổng lồ đó như thế nào, hoàn toàn chưa thấy", ông Trường đặt câu hỏi.

Không chỉ với những dự án thủy điện, ông Lê Việt Trường còn nói thêm với ngay cả các dự án giao thông như cầu, đường bắc qua các con sông tại Việt Nam cũng được xây dựng một cách tràn lan, chưa được đánh giá kỹ lưỡng.

Tiếp tục nhắc lại bài học đắt giá từng xảy ra tại một địa phương miền Trung, khi đó một dự án giao thông đang triển khai đã phải khẩn cấp dừng lại một thời gian nhất định, đồng thời phải mở ra nhiều đường hầm để nước từ dòng sông đi qua, lý do là vì các dự án cầu đường quá dày đặc đã chặn dòng, làm thay đổi lưu vực, khiến nguy cơ lũ lụt rất lớn. Vì thế, biện pháp lâu dài là phải hạn chế các tác động mà lẽ ra có thể thay đổi được", ông Trường nói.

Lam Lam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/de-nghi-danh-gia-an-toan-rao-trang-3-lam-nghiem-tuc-3422014/