Đề nghị công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể trong năm 2020

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có thể là đơn vị đứng ra làm hồ sơ đề nghị công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.

Sáng nay (3/1), tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Họp báo thường kỳ quý IV, 2019 thông tin về các hoạt động của ngành trong thời gian qua.

Tại họp báo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nêu quan điểm về bảo vệ hình ảnh tà áo dài Việt Nam khi thời gian vừa qua, tờ China Daily phiên bản tiếng Anh đăng nhiều hình ảnh mẫu nữ trình diễn trang phục áo dài truyền thống của Việt Nam cùng chú thích: "Chinese style delights China S/S Fashion Week'' (Phong cách Trung Quốc được yêu thích tại China S/S Fashion Week) khiến dư luận phẫn nộ.

 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Họp báo thường kỳ quý IV, 2019 thông tin về các hoạt động của ngành trong thời gian qua. Ảnh: Trần Huấn.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Họp báo thường kỳ quý IV, 2019 thông tin về các hoạt động của ngành trong thời gian qua. Ảnh: Trần Huấn.

Ông Nguyễn Thái Bình cho biết Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện mới có buổi làm việc với bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Kết quả bước đầu của buổi làm việc là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có thể là đơn vị đứng ra làm hồ sơ đề nghị công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.

Theo ông Bình, các đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch như: Cục Di sản Văn hóa; Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm sẽ hỗ trợ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hoàn thiện hồ sơ.

Ngoài ra, một trong những nội dung làm “nóng” buổi họp báo là việc giải quyết những tồn tại xung quanh việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Việc cổ phần Hãng phim truyện Việt Nam được tiến hành từ năm 2014 nhưng vẫn luôn được dư luận hết sức quan tâm.

Trong vài năm qua, các nghệ sĩ của Hãng vẫn thường căng băng-rôn, khẩu hiệu kêu cứu. Họ cho rằng, quá trình cổ phần hóa Hãng phim thiếu minh bạch và có nhiều sai sót. Tháng 9/2018, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận quá trình cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam có quá nhiều sai phạm. Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết dứt điểm những tồn tại trong quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn chưa có hướng giải quyết khủng hoảng ở Hãng phim.

Trả lời câu hỏi về hoạt động của Hãng phim truyện Việt Nam, ông Nguyễn Thái Bình - Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, vì Hãng phim truyện Việt Nam đã cổ phần hóa, hoạt động theo luật doanh nghiệp và các quy định của Bộ Tài chính. Vì thế, nếu báo chí muốn biết thông tin phải hỏi Hãng phim truyện Việt Nam.

“Hiện chúng tôi chưa nhận được báo cáo nào từ hãng phim. Liên quan đến vụ việc Hãng phim, Bộ đã nhận văn bản chỉ đạo của phó Thủ tướng Trương Hòa Bình. Chúng tôi đang làm rồi. Ai quan tâm đến văn bản này, sau cuộc họp lên phòng tôi cho xem văn bản, chúng tôi không thể công bố nội dung văn bản tại đây”, ông Bình cho biết.

Cũng theo ông Bình, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ xác định cụ thể số tiền hoàn trả nhà thầu chiến lược và báo cáo lộ trình. Hiện Bộ đang tập trung xử lý thoái vốn, sau khi xong, sẽ xử lý các cá nhân liên quan và báo cáo ban cán sự.

Cũng trong họp báo, nhiều phóng viên đặt câu hỏi liên quan đến bộ phim “Ròm” sau khi bị xử phạt vì chưa được cấp phép phát hành và phổ biến đã đưa đi dự LHP Quốc tế Busan (Hàn Quốc) đã được cấp phép trở lại và đã tiêu hủy “tang vật” như quyết định xử phạt, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, ở thời điểm hiện tại, nhà sản xuất phim “Ròm” đã gửi bản phim có chỉnh sửa để xin được cấp phép phổ biến theo đúng quy trình. Cục Điện ảnh và Hội đồng thẩm định phim đang trong quá trình xem xét./.

Hà Phương/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa-giai-tri/de-nghi-cong-nhan-ao-dai-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-trong-nam-2020-996717.vov