Đề nghị cơ sở thực hiện phương án bảo vệ môi trường

Bà Châu Thị Hết (ngụ số 1156 A/58 đường Võ Văn Hoài, khóm Bình Khánh 5, phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) phản ánh cơ sở thu mua, chế biến phế liệu hàng xóm gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Theo bà Hết, cơ sở thu mua chế biến phế liệu do ông Nguyễn An Ninh làm chủ, hoạt động từ năm 2002, do Sở Tài nguyên và Môi trường cấp phép. Từ một cơ sở nhỏ, quy mô chưa đáng kể, đến nay cơ sở mở rộng diện tích gần 1.000m2, công nhân hàng chục người, dụng cụ máy móc hiện đại hơn. Xe tải lớn ,nhỏ ra vào thường xuyên, đậu đỗ lấn chiếm lòng lề đường, trong khi cơ sở chỉ cách chân cầu Thông Lưu khoảng 20m, gây cản trở giao thông.

“Gần đây, cơ sở phát ra tiếng ồn do máy dập, máy xay; mùi hôi khét của nhựa khi xay thành hạt; nước thải đổ ra sông rạch… Gia đình tôi ở sát vách nên bị ảnh hưởng nặng nhất. Nhất là người lớn tuổi và trẻ em, họ cần môi trường trong lành, yên tĩnh để nghỉ ngơi, học hành. Nhiều lần tôi trình báo với Ban khóm và UBND phường Bình Khánh vấn đề này. Chính quyền địa phương cử đoàn xuống kiểm tra, đề nghị cơ sở khắc phục. Khi có đoàn kiểm tra thì họ làm ít lại, sau đó vẫn như cũ, buộc tôi vẫn phải tiếp tục khiếu nại. Được biết, những cơ sở gây ô nhiễm môi trường phải di dời ra ngoài khu dân cư đô thị, không hiểu sao cơ sở này còn được tồn tại? Đề nghị các cơ quan chức năng xem xét cho ngưng hoạt động đối với cơ sở thu mua và chế biến phế liệu của ông Ninh, để trả lại sự bình yên, đảm bảo sức khỏe và môi trường trong lành cho mọi người” - bà Hết bức xúc.

Bà Hết trình bày vụ việc

Phía chủ cơ sở lại bộc bạch: “Cơ sở của tôi hoạt động mười mấy năm nay, có đầy đủ giấy phép, giấy xác nhận đăng ký đạt chuẩn môi trường theo quy định. Bà Châu Thị Hết đã thưa kiện nhiều năm trước. Chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng đã nhiều lần kiểm tra, khảo sát thẩm định, kết luận cơ sở tôi không vi phạm tiếng ồn cũng như vấn đề môi trường. Thậm chí đã tổ chức họp dân, bà con xung quanh không ai thắc mắc hay phiền hà gì. Chỉ riêng bà Hết cứ thưa hoài, gây khó khăn, ảnh hưởng đến việc làm ăn và bức xúc cho chúng tôi. Cơ sở tôi chủ yếu thu mua nhựa phế liệu gia dụng, sau đó sơ chế nghiền và đóng gói chở đi nơi khác tiêu thụ. Cách 1 ngày, có khi vài ngày, tôi mới chạy máy nghiền đóng gói 1 lần. Vách giữa 2 nhà cách nhau khoảng 6 tấc; cơ sở có mấy lớp cửa, che chắn để giảm thiểu tiếng ồn gây ảnh hưởng xung quanh”.

Trao đổi với phóng viên, đại diện UBND phường Bình Khánh cho biết, sau khi nhận được đơn của bà Châu Thị Hết phản ánh cơ sở thu mua và chế biến nhựa phế liệu của ông Nguyễn An Ninh, UBND phường đã thành lập đoàn kiểm tra, gồm đầy đủ các cơ quan chuyên môn. Đoàn tiến hành xác minh, kiểm tra, thẩm định, đề nghị cơ sở thực hiện phương án bảo vệ môi trường, bởi trước khi hoạt động cơ sở đã có phương án và cam kết bảo vệ môi trường. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở đang hoạt động với tổng diện tích 542,8m2, với mái lợp tole, vách tole, nền dal. Trang thiết bị tại cơ sở gồm: 1 máy xay - 30Hp, 1 cối xay - 20Hp, năng suất thu mua trung bình khoảng 6 tấn/tháng, sản phẩm chủ yếu là nhựa sơ chế đóng bao; có 3 công nhân đang làm việc. Mùi hôi phát sinh tại cơ sở từ việc sơ chế nhựa các loại; bụi phát sinh từ khâu phân loại phế liệu; tiếng ồn phát sinh từ máy nghiền. Nước thải từ việc sơ chế các loại nhựa, nước rửa tay thải ra hầm nước thải sau nhà; chất thải rắn sinh hoạt có xe của Công ty Môi trường đô thị đến thu gom hàng ngày. Ngoài ra, đoàn đã đề nghị cơ sở liên hệ với đơn vị có chức năng thẩm quyền đo tiếng ồn, để xác định độ ồn có vượt mức cho phép hay không, cơ sở đã thực hiện theo yêu cầu của đoàn. Ngày 8-10-2018, theo kết quả phân tích độ ồn của Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật (Sở Tài nguyên và Môi trường) thì tiếng ồn không vượt quá quy định cho phép (không vượt quá 7 dBA); độ ồn trong phạm vi cho phép. Địa phương đã trả lời cho bà Hết biết kết quả sau khi đoàn làm việc, kiểm tra.

Bài, ảnh: K.N

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/de-nghi-co-so-thuc-hien-phuong-an-bao-ve-moi-truong-a234724.html