Đề nghị Chính phủ báo cáo cơ sở của việc tăng giá điện, giá xăng

'Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá, báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá bán xăng, điện và tác động của việc tăng giá này đối với CPI, cũng như các mặt kinh tế, xã hội', Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói.

Quan ngại về áp lực lạm phát

Sáng 8-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018 và những tháng đầu năm 2019.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo tại Phiên họp

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo tại Phiên họp

Theo Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng đầu năm 2019 tăng 2,71% so với bình quân cùng kỳ năm 2018 và đây là mức tăng bình quân thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, lạm phát cơ bản 4 tháng đầu năm đạt 1,84%, vượt mục tiêu cả năm 2019 (1,6-1,8%). Trong khi đó, giá dịch vụ công năm 2019 tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình tăng giá giai đoạn 2016-2020 gây quan ngại về áp lực lạm phát các quý tiếp theo và cả năm 2019, đồng thời giá thực phẩm năm 2019 có khả năng tăng mạnh hơn do nguồn cung giảm khi ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

“Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá, báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá bán xăng, điện và tác động của việc tăng giá này đối với CPI, cũng như các mặt kinh tế, xã hội”, ông cho hay.

Xử lý nghiêm sự tiếp tay trong sai phạm thi THPT quốc gia

Trong lĩnh vực giáo dục cũng có nhiều vấn đề người dân hết sức quan tâm, đòi hỏi cơ quan quản lý phải rà soát và có giải pháp khắc phục, xử lý dứt điểm như gian lận trong thi cử, chất lượng một bộ phận nhà giáo còn thấp, một số ít nhà giáo còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tính minh bạch và hiệu quả trong công tác tuyển sinh các bậc học, chế độ đãi ngộ cho giáo viên, tình hình bạo lực học đường...

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra

Hoạt động thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục còn hạn chế, đặc biệt là công tác tổ chức thi THPT quốc gia để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong khâu chấm thi tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Hiện nay kết quả điều tra cho thấy 222 thí sinh được nâng điểm, trong đó nhiều trường hợp đã trúng tuyển, đỗ thủ khoa các trường đại học một cách không thực chất. Cơ quan thẩm tra đề nghị phân tích rõ nguyên nhân, hậu quả, biện pháp khắc phục; xác định rõ trách nhiệm và bài học trong công tác quản lý.

Ủy ban Kinh tế đề nghị cần xác định rõ các trường hợp sai phạm trong công tác tổ chức thi THPT quốc gia năm 2018, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, nhất là sự tiếp tay, vi phạm của công chức, cán bộ trong ngành giáo dục hoặc giữ chức vụ quản lý ở địa phương; tập trung chỉ đạo và tổ chức tốt kỳ thi THPT và đại học năm 2019 tránh những sai sót, tồn tại đã từng xảy ra.

Đồng thời, tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về văn hóa, giáo dục, đặc biệt quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách từ trong hệ thống các cơ quan đoàn thể đến gia đình, nhà trường và xã hội. Đấu tranh mạnh mẽ với các biểu hiện, hành vi phi đạo đức, thiếu văn hóa, phản cảm, ảnh hưởng xấu trong xã hội.

Quyết liệt xử lý xâm hại trẻ em, hạn chế “tín dụng đen”

Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp, tuy nhiên Ủy ban thẩm tra cho rằng, tình trạng tội phạm xâm hại trẻ em vẫn đang là điều “rất đáng lo ngại”. Theo số liệu thống kê từ Bộ Công an, năm 2018 có 1.547 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện với 1.669 đối tượng, xâm hại 1.579 em; trong đó số vụ án xâm hại tình dục trẻ em là 1.269 vụ chiếm 82% tổng số vụ.

Ủy ban thẩm tra đề nghị quyết liệt xử lý đối với hành vi quấy rối tình dục phụ nữ, xâm hại trẻ em. Triệt phá các băng, nhóm tội phạm, phòng ngừa tội phạm gây nguy hiểm cho xã hội, nhất là tội phạm giết người, cố ý gây thương tích… Điều tra, xử lý kịp thời hoạt động môi giới phụ nữ Việt Nam ra nước ngoài mang thai hộ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp

Về hoạt động “tín dụng đen”, thời gian vừa qua các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh việc đấu tranh, trấn áp và đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên hoạt động này vẫn diễn biến rất phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, làm mất trật tự an ninh xã hội. Quy định pháp luật quản lý hoạt động này còn bất cập, chủ yếu là trấn áp các hành vi phạm tội liên quan đến tín dụng đen như gây rối trật tự, phá hoại, cưỡng đoạt tài sản.

Ủy ban Kinh tế đề nghị tăng cường sự chủ động và phối hợp của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương trong thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội. Tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm hạn chế “tín dụng đen”, trong đó sớm hoàn thiện các quy định về chế tài xử phạt; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro cao (bất động sản, chứng khoán…), chú trọng các giải pháp để mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, cung cấp thông tin đầy đủ để góp phần hạn chế người dân tìm đến các nguồn vốn tín dụng không chính thức.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị tiếp tục có giải pháp giảm tình hình tai nạn giao thông, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng rượu, bia vi phạm quy định khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; sớm hoàn thành thực hiện thu phí tự động không dừng…

Bảo Quân

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/de-nghi-chinh-phu-bao-cao-co-so-cua-viec-tang-gia-dien-gia-xang-544164/