Đề nghị các đài truyền hình hỗ trợ giảng dạy trực tuyến

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề nghị các kênh truyền hình cùng tham gia vào hoạt động giảng dạy nhiều giờ trong ngày, thậm chí cả ngày theo hình thức phi lợi nhuận.

Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh ghi hình hướng dẫn học sinh ôn tập kiến thức

Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh ghi hình hướng dẫn học sinh ôn tập kiến thức

Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam vừa gửi công văn lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiến nghị giải pháp cho học sinh - sinh viên được chuyển sang học đại trà qua các kênh truyền hình trên cả nước, trong mùa dịch Covid-19.

Đại diện Hiệp hội cho biết, trong thời gian cho học sinh, sinh viên nghỉ tránh dịch virus Covid-19 vừa qua, một số trường phổ thông và đại học đã chủ động thực hiện đào tạo trực tuyến.

Tuy nhiên, điều kiện để áp dụng việc học trực tuyến bằng công nghệ cao không dễ, bởi đối tượng người học có hoàn cảnh kinh tế khác nhau. Không phải học sinh, sinh viên nào cũng có máy tính, điện thoại thông minh... để học, như thế sẽ rất bất tiện khi áp dụng đại trà.

Do đó, cần khôi phục việc dạy học trên truyền hình cho học sinh phổ thông và sinh viên đại học. Nhà nước nên huy động các kênh truyền hình cùng tham gia vào hoạt động giảng dạy nhiều giờ trong ngày, thậm chí cả ngày theo hình thức phi lợi nhuận.

Khi các kênh truyền hình cùng tham gia cần có quy định rõ ràng thời khóa biểu cho từng môn học đối với từng khối lớp, áp dụng chung thống nhất trên cả nước hoặc cho từng tỉnh, thành phố. Các Sở GD&ĐT sẽ lựa chọn giáo viên bộ môn giỏi, tiêu biểu lên dạy trên truyền hình.

Học sinh ở nhà hoặc vài ba em học chung một lớp cùng ngồi học trực tuyến, bên cạnh có phụ huynh quản lý, theo dõi. Việc theo dõi, hướng dẫn đánh giá kết quả học tập của học sinh vẫn do đội ngũ giáo viên ở các trường đảm nhiệm, chủ yếu qua mạng thông tin truyền thông quốc gia.

Hiện nay, các đài truyền hình có sẵn phòng thu, đội ngũ kỹ thuật viên chuyên nghiệp, chỉ cần chủ động thay đổi chương trình phát; các Sở GD&ĐT luôn sẵn sàng cử giáo viên bộ môn giỏi đến để dạy và cùng nhà đài công bố các lịch phát sóng để học sinh biết, theo học.

Do đó, nếu có chủ trương từ trên và có sự đồng thuận của các Sở GD&ĐT địa phương, các trường tại địa phương, các đài phát thanh địa phương thì việc dạy học đại trà trên khắp 63 tỉnh, thành phố của cả nước, trước hết là cho học sinh phổ thông, sẽ hầu như không gặp bất cứ khó khăn đáng kể nào.

Giảng dạy trực tuyến, trong đó có giảng dạy trên truyền hình, là xu hướng chung của giáo dục toàn thế giới, các trường học Việt Nam cũng nên theo, thay vì sử dụng hoàn toàn phương thức dạy học truyền thống như hiện nay.

Được biết, Đài Phát thanh Truyền hình Đồng Nai là đơn vị đầu tiên tổ chức ghi hình, phát sóng các chương trình ôn tập trên truyền hình.

Chương trình ôn tập bắt đầu được phát sóng liên tục từ ngày 17/2 đến khi học sinh đi học trở lại trên kênh Đồng Nai 1 và chiếu lại trên kênh Đồng Nai 2 vào hôm sau. Ngoài ra, các chương trình này cũng được đăng tải trên website của Sở GD&ĐT và Đài Phát thanh truyền hình tỉnh.

Ở phía Bắc, Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh đã phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức sản xuất video hướng dẫn học sinh ôn tập kiến thức tại nhà để hỗ trợ học sinh ôn tập, tự học trong thời gian nghỉ học phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Các video bài giảng ở các cấp và các môn học, với thời lượng 30 phút/1video. Tham gia giảng dạy là các giáo viên có kinh nghiệm ở các trường học trên địa bàn tỉnh. Những video bài giảng này sẽ giúp các em tự củng cố kiến thức tại nhà trong thời gian nghỉ học, đặc biệt là với những em học sinh cuối cấp.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/de-nghi-cac-dai-truyen-hinh-ho-tro-giang-day-truc-tuyen-4066352-v.html