Đề nghị bố trí nguồn lực đầy đủ, kịp thời hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Sáng 23-10, tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội đã nghe các báo cáo về đánh giá kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2017 ở các huyện nghèo giảm xuống còn dưới 40%

Về kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2018, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định: Các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị đã nỗ lực cao độ cho công tác giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đạt kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đề ra.

Cụ thể, từ năm 2016 đến năm 2018, Chương trình 135 đã đầu tư 9.106 công trình; duy tu, bảo dưỡng 3.295 công trình; hỗ trợ trực tiếp cho 1,512 triệu hộ nghèo, cận nghèo. Tập huấn cho 103 ngàn người, dạy nghề cho 720 ngàn người dân tộc thiểu số, góp phần giúp con em tìm kiếm việc làm. Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho 1,4 triệu hộ dân tộc thiểu số vay 45.194 tỷ đồng (chiếm 24,7% tổng dư nợ), bình quân dư nợ 1 hộ là 30,5 triệu đồng (bình quân toàn quốc là 27 triệu đồng/hộ) để phát triển sản xuất, tăng thu nhập.

Đáng chú ý, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2017 ở các huyện nghèo giảm xuống còn dưới 40% (giảm khoảng 5% so với cuối năm 2016); tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm 3-4%. Có 8 huyện thoát khỏi huyện nghèo theo Quyết định 30a của Thủ tướng Chính phủ; 14 huyện ra khỏi diện hưởng chính sách như huyện nghèo; 34 xã đủ điều kiện ra khỏi diện đầu tư theo chương trình 135.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trình bày báo cáo. Ảnh: Quốc hội.

Bên cạnh đó, các giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt kết quả bước đầu quan trọng; công tác bảo vệ và phát triển rừng ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi có bước chuyển biến tích cực. Theo đó, đến tháng 8-2018, đã có 1.052 xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 22,29% (toàn quốc đạt tỷ lệ 38,32%). Năm 2017, diện tích rừng bị thiệt hại là 1.451ha (giảm 68% so với năm năm 2016); 9 tháng năm 2018, rừng bị thiệt hại 873ha (giảm 22,2% so với 9 tháng năm 2017), về cơ bản rừng tự nhiên đã được quản lý tốt hơn.

Về đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, 100% xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi có trường THCS, trường tiểu học, hầu hết các xã có trường, lớp học mầm non. Cả nước có 314 trường phổ thông dân tộc nội trú; 975 trường phổ thông dân tộc bán trú; 5 trường đào tạo dự bị đại học dân tộc. Đã có 51/53 dân tộc thiểu số có học sinh cử tuyển đi học đại học; học sinh là người dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ chi phí ăn ở, học tập.

Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư xây dựng 433 trạm y tế xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; từ năm 2016 đến 2018 đã cấp miễn phí thẻ BHYT cho 20,705 triệu lượt đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường y tế dự phòng và bố trí bác sĩ về làm việc tại trạm y tế xã, đạt 87,5%.

Ngoài ra, chính sách hỗ trợ đột xuất, bảo đảm an sinh xã hội được thực hiện tốt, không để người nào bị thiếu đói không được trợ giúp. Từ năm 2016 đến tháng 9-2018, Thủ tướng Chính phủ đã cấp (không thu tiền) 117 nghìn tấn gạo để hỗ trợ các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; cấp từ nguồn ngân sách trung ương 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ làm nhà cho những hộ bị thiên tai mất nhà ở, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số.

An ninh, quốc phòng vùng dân tộc thiểu số, miền núi được giữ vững

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến thống nhất với nhận định của Chính phủ, rằng hiện nay hệ thống chính sách dân tộc thiểu số, miền núi ngày càng đồng bộ, toàn diện, bao phủ hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã đạt được kết quả quan trọng; tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số giảm mỗi năm 4% (hiện còn 28,45%); đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện hơn trước...

Đặc biệt, Hội đồng Dân tộc nhận định, trong thành tựu đạt được, điểm nổi bật là an ninh, quốc phòng vùng dân tộc thiểu số, miền núi được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường và củng cố. Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng đồng bào các dân tộc vẫn giữ vững niềm tin với Đảng, Nhà nước.

“Thành quả trên có được là nhờ vào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nỗ lực cố gắng vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số, cùng sự sẻ chia của nhân dân cả nước, cộng đồng các doanh nghiệp và bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nhấn mạnh.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quốc hội.

Tuy nhiên, về những khó khăn, thách thức, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến thẳng thắn thừa nhận, đây vẫn là vùng có “năm nhất” so với mặt bằng chung của cả nước, đó là: Khu vực có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất; chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất; tiếp cận các dịch vụ, phúc lợi xã hội cơ bản kém nhất và tỷ lệ nghèo cao nhất.

Đặc biệt, căn cứ vào mục tiêu Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2020 là phấn đấu 50% số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và 20- 30% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số, miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, kết quả cho thấy mục tiêu này khó có khả năng đạt được, tiêu chí hộ nghèo khác nhau ở từng giai đoạn nên số lượng xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn không nói lên đúng thực chất, đây là vấn đề cần được Chính phủ giải trình rõ hơn; đề nghị Chính phủ cần có số liệu phân tích bổ sung rõ hơn về thu nhập bình quân, số hộ nghèo và tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào dân tộc ở các khu vực; đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn, đúng thực chất mức sống, thu nhập, sinh kế, mức độ tiếp cận văn hóa, giáo dục, y tế.., của đồng bào dân tộc thiểu số; phân tích, làm rõ thực trạng của việc gia tăng các huyện nghèo thuộc diện 30a, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nghèo trong vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Bên cạnh đó, Hội đồng Dân tộc đánh giá, hiện nay, giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi nổi lên một số vấn đề đáng quan tâm, đó là: Tỷ lệ biết đọc, biết viết của người dân tộc thiểu số chỉ đạt 79,2% trong khi cả nước là 94,7%. Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đi học trung học cơ sở đạt 83,9%, trung học phổ thông chỉ đạt 41,8%. Một số dân tộc có tỷ lệ đi học trung học phổ thông và tỷ lệ biết chữ phổ thông thấp. Mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục. Các chương trình, dự án hỗ trợ, đầu tư cơ sở hạ tầng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, kéo dài qua nhiều giai đoạn nhưng vẫn chưa hoàn thành.

Từ đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị Chính phủ trong thời gian tới cần chỉ đạo tổng kết việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi (nhất là những chủ trương, chính sách lớn), để có cơ sở xây dựng, ban hành chính sách mới cho giai đoạn tiếp theo, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của việc thực hiện chính sách trong giai đoạn vừa qua; hằng năm cân đối, bố trí nguồn lực thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số, miền núi...Đồng thời, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tham mưu cho Chính phủ đánh giá, phân tích một cách đầy đủ, sâu sắc hơn thực trạng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi để có cách nhìn toàn diện, sát thực làm cơ sở cho những đề xuất giải pháp chính sách nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trong giai đoạn tới.

THẢO DUNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/de-nghi-bo-tri-nguon-luc-day-du-kip-thoi-ho-tro-vung-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-552655